Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Nhưng đồng tiền đi trước cũng là đồng tiền… hư.

Kỳ họp QH khóa XIII đã kết thúc, Chính phủ của nhiệm kỳ mới đã bắt tay vào việc. Nếu nhìn về trình độ học vấn và bằng cấp, phải nói dàn cán bộ lãnh đạo của nhiệm kỳ mới rất đáng chú ý. Và hẳn ngành GD là ngành… tự hào nhất

Bằng cấp cao và 63 “sứ quân”

Đó là trong số 27 vị lãnh đạo, số có bằng tiến sĩ là 13, chiếm gần 50%. Đặc biệt, số bộ trưởng có chuyên môn về kinh tế chiếm áp đảo tới 63%. Còn lại, số có chuyên môn về luật, ngoại giao chiếm 22%; số có chuyên môn về an ninh, quốc phòng 8%; và số có chuyên môn về khoa học, 7%.

Đáng chú ý nữa, số bộ trưởng ở nhóm độ tuổi cao 60 chỉ 18%. Số ở độ tuổi 40, là 4%. Còn lại, nhóm độ tuổi 50 chiếm tới 78% (theo VnExpress, ngày 11/4). Đó là độ tuổi của người Việt được coi là chín chắn nhất, từng trải, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn cũng như lãnh đạo, quản lý.

Nhìn một cách tương đối, về hình thức, đội ngũ mới khá tương thích với yêu cầu nhiệm vụ- gánh vác bổn phận cực kỳ khó khăn mang tính đặc thù của quốc gia ở thời kỳ hội nhập quốc tế: Vừa phải cảnh giác, phòng ngừa và chống giặc “ngoại xâm”, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, vừa phải chống giặc “nội xâm” (tham nhũng, lợi ích nhóm), đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình. Trong khi nợ công/ đầu người mỗi năm một… tiến.

Có rất nhiều mục tiêu của sự phát triển mà nghị quyết vừa ban hành của QH yêu cầu CP mới thực thi, quyết liệt hành động.

Nhưng ngoài mục tiêu chống “ngoại xâm”, chống “nội xâm” mà ý kiến nhiều ĐBQH đã có cơ hội khẳng định trong kỳ họp cuối, và người viết bài đã đề cập tại bài viết mới đây: Thanh danh quốc gia và những phát ngôn ấn tượng, đất nước cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức của sự phát triển. Nếu những mục tiêu mang tính chiến lược sau không thành hiện thực.

Đó là xây dựng một nền kinh tế thị trường vững chắc, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế bộc lộ tài năng kinh bang tế thế của họ.

{keywords}
Đồng tiền đi trước cũng là đồng tiền… hư. Ảnh minh họa

Đó là cải cách hành chính gắn với cải cách tư pháp, ngăn chặn và loại trừ nạn buôn quan bán tước, những phiên chợ “âm dương” đang ngấm ngầm hủy hoại phẩm cách công dân và tàn phá niềm tin của XH không thương tiếc.

Bởi lẽ kinh tế bao giờ cũng là nền tảng của một XH, dù văn hóa là linh hồn của XH ấy. Nhất là trong nhiệm kỳ mới này của CP, số Bộ trưởng có chuyên môn kinh tế chiếm hơn hẳn.

Nhưng thực trạng kinh tế nước Việt hiện nay cũng cho thấy, nước Việt rất khó có một nền kinh tế thị trường vững chắc, đủ sức hội nhập hiện đại, nếu cứ tồn tại tới 64 nền kinh tế- bao gồm mỗi tỉnh, t/p là một nền kinh tế, cộng với nền kinh tế của TƯ, như nhận định của Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên, tại hội thảo quốc tế về liên kết vùng ở VN ngày 03/4 mới đây (VnEconomy, ngày 04/4).

Thậm chí ông Trần Đình Thiên còn cho rằng hiện tượng này là “kỳ dị”. Mặc dù nói là liên kết nhưng anh nào cũng tìm phương án để đột phá riêng cho mình. Tỉnh nào cũng đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, thu hút FDI, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn, “ngăn sông, cấm chợ” như cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh ta, phải tiêu thụ “bia tỉnh ta”... Đây là những hiện tượng khá phổ biến, gây ra những tổn thất to lớn ở cả tầm quốc gia.

Đồng cảm với nhận định này, ở góc độ kiến trúc, ông Trần Trọng Hanh, Phó CT Hội đồng Kiến trúc dẫn chứng, hiện nay có 71 luật và pháp lệnh, 73 nghị định và hàng nghìn thông tư, quyết định liên quan đến quy hoạch, cùng mấy vạn đề án quy hoạch, chi phí ước tính lên đến hơn 2.800 tỷ đồng (thời kỳ 2001 – 2010) và gần 5.000 tỷ đồng (thời kỳ 2011 – 2020), nhưng hệ thống quy hoạch hoàn toàn phân lập, có những đồ án chỉ dùng được 1%. Theo ông “anh nào” cũng tìm phương án để đột phá riêng cho mình, lấy thành tích tăng trưởng, gây ra hệ lụy là những khoản nợ cho đời con cháu và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thực ra, kinh tế phát triển manh mún là hiện trạng phản chiếu tư duy tiểu nông trong cách làm ăn của đất nước từ thời bao cấp, một kiểu tư duy “tự cấp tự túc” cao, đậm chất làng xã. Chuyển sang kinh tế thị trường, tư duy tiểu nông đó lại phản chiếu ngay ở cung cách cạnh tranh “đua nhau” nhưng lại thiếu lành mạnh ở tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy. Thành ra, kinh doanh, hay phát triển kinh tế lẽ ra xuất phát từ cung - cầu, đặc thù từng địa phương, rất nhanh chóng biến thành... phong trào. Họ làm gì ta làm nấy. Các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút FDI. Một khi cùng đua nhau, sẽ nảy sinh hệ lụy chèn ép nhau, ngăn sông cấm chợ kiểu ta về ta uống bia ta.

Có điều, trước hiện tượng làm kinh tế với tư duy tiểu nông manh mún của 63… "sứ quân", thì sự điều tiết, sự định hướng và chỉ đạo của nhà nước ở chỗ nào? Câu hỏi này ai có thể trả lời được đây?

Nhìn ra thế giới và khu vực, nếu vẫn cứ đà phát triển kinh tế kiểu 63 "sứ quân", hẳn nước Việt mãi mãi là người đi sau. Hoặc chịu cảnh trâu chậm uống nước đục mà thôi.

Báo Đất Việt, ngày 06/4 đăng bài viết của GS Trần Văn Thọ, phân tích hai hiện tượng chuyển động về kinh tế của Myanmar và Indonesia với câu hỏi đầy lo lắng: Vì sao VN không phát triển nhanh? Người viết bài đặc biệt chú ý đến những phân tích của tác giả về cuốn sách Indonesia: Cường quốc kinh tế, nêu những nguyên nhân và cách điều hành mang tính tổng thể của nhà nước này, hứa hẹn một Indonesia bước vào giai đoạn phát triển cao, bền vững, một cường quốc kinh tế trong tương lai không xa.

Đó là: Về điều kiện, họ có 03 điểm mạnh nổi trội: 1) Quy mô thị trường lớn- do là nước đông dân thứ 04 trên thế giới. 2) Chất lượng thể chế ổn định, ngày càng được cải thiện. 3) Chiến lược, chính sách phát triển kinh tế dài hạn hoạch định công phu, được dư luận người dân Indonesia đồng tình.

Về chiến lược, thể hiện sự hội tụ sức mạnh trí tuệ cả dân tộc. Toàn quốc sẽ chia làm 06 vùng phát triển (gồm 22 ngành), mỗi vùng phát triển chú trọng một số ngành tùy theo đặc điểm địa phương. Chủ thể đầu tư chính cho chiến lược là tư nhân trong và ngoài nước. Kể cả các dự án kết hợp tư nhân và CP, tỉ lệ của tư nhân (bao gồm FDI) trong tổng đầu tư chiếm gần 75%. Đầu tư của CP chỉ tập trung vào hạ tầng và đặt trọng tâm vào việc liên kết các vùng kinh tế.

Rõ ràng, sức mạnh kinh tế nằm ở sự liên kết về bản chất để phát triển. Nhà nước chỉ tập trung cho hạ tầng, coi trọng kinh tế tư nhân. Sức mạnh đó không phải là phép tính cộng gượng ép, hoặc mang tính “sứ quân”, mạnh ai nấy… chèn ép.

“Phú quý giật lùi”

Kinh tế phát triển manh mún, thì các doanh nghiệp, “tế bào” của nền kinh tế ấy cũng đang có xu hướng manh mún không kém.

Theo TBKTSG Online, ngày 13/4, công bố mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, gần 46% DN đã “chết” trong 10 năm qua, kể từ khi có Luật DN năm 2000. Cái sự “chết” ở đây là giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Rõ ràng, cơm áo không đùa với… kinh doanh.

{keywords}

Gần 46% DN đã “chết” trong 10 năm qua

Riêng năm 2015, số DN gặp vận hạn này là 71.391 đơn vị, tăng 22,4% so với năm 2014 (theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh- Bộ KH và ĐT). Trước hiện tượng hàng loạt các DN chết trước bình minh như vậy, Ts Lê Đăng Doanh nhìn nhận “hoàn toàn không bình thường”. Bởi theo ông, tỷ lệ DN chết đi ở các quốc gia khác cũng cao, khoảng 30%, nhưng không cao như của VN, chứng tỏ môi trường kinh doanh rất không thuận lợi.

Đáng chú ý nữa là nhận xét của bà Phạm Thu Hằng (Tổng thư ký VCCI) khi cho rằng, số lao động bình quân trong DN đã giảm từ 49 người năm 2007 xuống còn 29 người năm 2015, cho thấy tỷ trọng các DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng gia tăng. Nguy cơ VN thiếu các DN cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu. Mà 99% số DN siêu nhỏ là DN ngoài nhà nước.

Sự manh mún của một nền kinh tế đang phản chiếu ngay trong chiều hướng “li ti hóa” quy mô các DN. Vì sao lại phú quý giật lùi đến vậy?

Nếu xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, thì cái động lực đang “li ti hóa” này sẽ… động kiểu gì?

Câu trả lời rất đáng buồn. Các nguồn dinh dưỡng hỗ trợ DN- chính sách thuế, phí nội địa- không ngừng “mất chất”. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ thuế và phí ở VN chiếm tới 40,8% lợi nhuận của DN. Chưa kể các điều kiện kinh doanh - các “giấy phép con, giấy phép cháu” như bươm bướm. Chưa kể các DN cứ ra ngõ là phải “bôi trơn” để có thể yên ổn làm ăn. Cũng báo cáo của WB cho biết, DN Việt Nam làm ra 01 đồng lợi nhuận, thì mất đi 0,72 đồng, thậm chí mất 1,02 đồng (Dân trí, ngày 04/1).

Một nền kinh tế manh mún, các DN mắc bệnh suy nhược cơ thể, vì bị hành là chính. Nền kinh tế đó sẽ ra sao trên hành trình hội nhập?

Có bao nhiêu đồng tiền… hư?

Có một loại tội lỗi không thua kém tham nhũng bao nhiêu, nhưng lại vẫn nhởn nhơ trong XH hết ngày dài lại đêm thâu. Và nếu có bị lôi ra ánh ngày thì chẳng hiểu sao, rút cục vẫn huề cả làng, cho dù trước đó bị dư luận báo chí, XH lên án rất dữ. Đó là sự lãng phí.

Những ngày qua, báo chí ồn ào vụ Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có văn bản kiến nghị CP xin hàng loạt ưu đãi cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - chủ đầu tư dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Dự án này được đầu tư tới hơn 8.100 tỷ, từ năm 2012 đắp chiếu cùng… mưa nắng đến nay, đang bị nhà thầu - Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã rút về nước đòi bồi thường và trả tiền thiết bị, dịch vụ 1.200 tỷ đồng.

{keywords}

Dự án này được đầu tư tới hơn 8.100 tỷ đắp chiếu. Ảnh: Tuổi trẻ

Vào Google đánh cụm từ lãng phí, lập tức có 351.000 kết quả trong 0,50 giây. Đủ biết lãng phí có vị thế và có sức mạnh “phát triển” và phổ biến ra sao.

Không phải chỉ có vụ TISCO, trước đó, và dường như kỳ họp QH năm nào, các ĐBQH, các báo điện tử cũng thi nhau dẫn chứng rất nhiều dự án tiền tấn, tiền tỷ trơ gan cùng tuế nguyệt.

Nào là vụ ụ nổi 83M. Từng được Vinashin mua với giá 462 tỉ. Nay xin bán với giá sắt vụn 34,8 tỉ, nhưng chỉ được dân buôn đồng nát định giá...01 tỉ đồng.

Nào là dự án Polyester ở Hải Phòng, vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, riêng năm 2014 đã lỗ 1.000 tỷ đồng và đang dừng hoạt động.

Nào là nhà máy bio ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng vốn tới 80 triệu USD, hiện đã tạm dừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm.

Nào là nhà máy ethanol Bình Phước, tổng vốn 84 triệu USD, chưa kịp xong vận hành thử nghiệm đã đóng cửa.

V.v… và v.v…

Nhưng vì sao những dự án đó cứ ung dung tự tại? Mặc cho ý kiến của các ĐBQH từng đề nghị truy tố những ai phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí kinh hoàng? Cái gốc của vấn đề, phải chăng là các dự án đó có được chiếc túi Thạch Sanh mang tên ngân sách nhà nước- tiền chùa? Mặc dù, xét cho cùng, đó vẫn là tiền thuế của dân.

Người viết bài chú ý tới những câu trả lời của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN khi trả lời báo Tuổi trẻ, ngày 07/4, ông thẳng thừng, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là làm dự án bằng vốn nhà nước, hiệu quả nhà nước có thể chưa thấy đâu nhưng hiệu quả của những người từ lập thẩm định, phê duyệt đến thực hiện dự án là khá rõ.

Đó là hiệu quả gì? Chắc chắn, chỉ những người trong cuộc này, từ lập thẩm định, phê duyệt đến thực hiện dự án là rõ nhất.

Công bằng mà nói, khi bước vào kinh tế thị trường, với một tư duy và cung cách làm ăn mang đậm chất bao cấp, xin- cho, hẳn các quan chức nước Việt phải rất nhiều lần trả “học phí”, mà nói một cách dân dã, là “ngu phí” cho chuyện làm ăn, ký kết với các quốc gia xa, gần theo luật định. Nhưng đã 30 năm đổi mới, bao nhiêu văn bản luật, dưới luật ra đời, lẽ ra “học phí” đó phải trở thành bài học xương máu, nằm lòng, thì có nhiều vị, hẳn do trí nhớ tồi, nên vẫn không thuộc? Rút cục dự án bị tăng vốn, không thể hoạt động, mà chất lượng như những đường cong mềm mại của đoạn đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đó là kém cỏi, hay là vô trách nhiệm, hay còn nhiều điều gì bí ẩn? Còn ông Trần Ngọc Hùng thì nói toạc: Điều đáng nói là khi làm dự án, các cán bộ liên quan rất hay đi nước ngoài tìm hiểu... mô hình, do chính một nhà thầu nào đó mời. Các nhà thầu này thường chiêu đãi vô cùng long trọng từ ăn uống, đi lại, tham quan, quà cáp. Do đó trong thương thảo hợp đồng nhiều điều khoản bị hớ, nhất là vấn đề điều chỉnh giá cả, tiến độ thực hiện, các điều khoản về phạm vi hợp đồng. Như vậy vấn đề là vốn của ai, anh có chặt chẽ với đồng tiền của mình hay lại coi đó là “tiền chùa”. Nếu là của tư nhân, chắc khó có những chuyện nhượng bộ?

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Nhưng đồng tiền đi trước cũng là đồng tiền… hư.

Và ở vô vàn các dự án ngàn tỷ đắp chiếu không thể hoạt động được, có bao nhiêu đồng tiền trong đó?

Hiện trạng 63 “sứ quân”, một nền kinh tế với những DN manh mún và những đồng tiền hư - liệu ở nhiệm kỳ mới này của CP, nước Việt sẽ hành trình ra sao trên xa lộ văn minh?

Kỳ Duyên