Tin giả, thiệt hại thật

Để thổi giá đất lên cao, đầu tháng Ba vừa qua, một số kẻ "cò đất" ở Đà Nẵng đã tung tin thất thiệt trên trang mua bán bất động sản rằng sắp thành lập quận mới gây xôn xao dư luận. Rất may chính quyền địa phương đã vào cuộc kịp thời, lên tiếng khẳng định đó chỉ là tin giả và đề nghị nhà chức trách điều tra xử lý kẻ tung tin giả.

Cũng trong thời gian đó, hai chủ tài khoản Facebook đã bị phạt vì tung tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi. Chủ Facebook ‘Đầm bầu thời trang Mami’ bị phạt 20 triệu đồng vì tung tin dịch tả lợn Châu Phi có thể lây sang người và kêu gọi mọi người không ăn thịt lợn, chủ tài khoản Hue Trinh Thi bị phạt 10 triệu vì tung tin lợn nhiễm sán ở Lâm Đồng. Kẻ tung tin rác bị phạt vì thiếu nhận thức, nhưng thiệt hại mà họ gây ra với người nông dân, với xã hội thì quá lớn.

Còn đầu năm nay, tháng 1.2019, công an tỉnh Quảng Bình đã xử lý một đối tượng tung hoang tin nói rằng trong dịp gần Tết, trên địa bàn Quảng Bình và các tỉnh lân cận đang lưu thông hơn 200 tỷ đồng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng. Thông tin lan truyền rất nhanh khiến người dân lo lắng, cuối cùng được khẳng định là tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh tiền tệ.

{keywords}
Bản lĩnh của báo chí trong “đại dịch” tin giả

Tin giả như một bệnh dịch, một thứ virus lây lan, bùng nổ - người ta đã gọi vấn nạn tin giả hiện nay như một mối đe dọa có thực. Tin giả được tạo ra với nhiều mục đích, doanh nghiệp cạnh tranh nhau, đối thủ chính trị chơi nhau, tấn công hệ thống xã hội, tấn công cá nhân, thích nổi tiếng, thu hút sự chú ý để bán hàng, hay đơn giản "mình thích thì mình làm thôi". Người ta lan truyền tin giả chẳng cần kiểm chứng, chẳng cần nghĩ đến hậu quả, chỉ vì tò mò hiếu kỳ, vì thích sự giật gân, dường như càng ly kỳ càng tốt, kiểu như tin vịt máy bay rơi ở Nội Bài, hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em, doanh nghiệp này khác làm ăn gian dối.

Tin giả nhưng thiệt hại là thật. Có những doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày. Người bị tung tin điêu đứng trong công việc, trong đời sống, có những em học sinh chịu tin đồn đến mức muốn tự tử, hay đã có những nạn nhân bị tung tin bắt cóc trẻ em mà bị đánh, bị đoạt mạng. Có những cuộc tranh luận, tranh cãi trên mạng nhưng gây hoang mang, chia rẽ, bất ổn xã hội... còn những hệ lụy, những tổn thương  mà tin giả gây ra cho người đọc và cho xã hội là không thể kể xiết.

Bản lĩnh của báo chí

Với khoảng 58 triệu người dùng Facebook, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới trong danh sách các quốc gia sử dụng mạng xã hội lớn nhất này – một thống kê công bố tháng 4.2018 cho biết . Dựa trên con số đó có thể hình dung ra lượng thông tin lưu chuyển trên Facebook lớn như thế nào và tin giả có môi trường bủa vây người sử dụng ra sao. Nếu không đủ sức đề kháng, người sử dụng Facebook dễ dàng bị tin giả chi phối và thực tế đã xảy ra như vậy. Tại Việt Nam, số liệu thống kê của công ty an ninh mạng BKAV cuối năm 2017 cho biết, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày.

BKAV cũng cảnh báo trong năm 2018, Facebook tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi lừa đảo và tin tức giả mạo.  Thực tế đó đến giờ vẫn đúng. Và điều kinh khủng là không chỉ người đọc bình thường, mà cả báo chí, lẽ ra phải là người đưa tin chính xác, khách quan, trung thực thì lại bị tin giả lôi kéo. Không hiếm nhà báo vì quá ham câu view mà đưa tin giả không kiểm chứng, từ đó dẫn dắt người đọc đến những ấn tượng sai lầm, khiến họ sợ hãi, mất lòng tin, gây ra những hậu quả rất xấu với xã hội.

Các nhà báo chắc chắn không thể quên vụ việc bức thư của con gái gửi bố công tác ở đảo xa, trong đó có chi tiết chú công an phường thường xuyên đến nhà ăn cơm với con, với mẹ. Trò đùa của một diễn viên ca kịch ở Quy Nhơn được báo chí lấy trên mạng xã hội, không cần kiểm chứng, đăng tải hẳn hoi, thực sự đã xúc phạm đến các lực lượng công an, quân đội, nhất là những chiến sỹ đang công tác ngoài hải đảo. Hay vụ một tờ báo điện tử lớn đăng tin “Dàn siêu xe hàng chục tỷ đồng gắn biển xanh giả", nhưng hóa ra đó chỉ là những chiếc xe mô hình xếp dưới gầm giường, được đăng với mục đích hài hước trong một diễn đàn, và nhà báo vội chộp ngay lấy. Những vụ việc đó đã bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng thực sự là bài học cay đắng cho báo chí.

Hay trong vụ Formosa, nhiều tờ báo đã lấy ảnh cá chết hàng loạt phủ kín mặt sông hồ để minh họa, nhưng thực ra đó là hình ảnh ở nước ngoài. Mới đây hơn, khi vụ việc cô gái giao gà bị sát hại ở tỉnh Điện Biên đang gây phẫn nộ trong dư luận, nhiều tờ báo, trang tin đã tung lên những thông tin chưa được kiểm chứng gây phức tạp cho cuộc điều tra.

Những quy định, pháp luật về tin giả trên mạng xã hội là điều cần thiết để bảo vệ người dùng và toàn xã hội trong thời buổi tin giả hoành hành. Người dùng mạng cũng phải tự rút ra bài học, trở nên thông thái hơn, phải ý thức được mình đang là nạn nhân của tin giả. Còn báo chí, hãy đừng chạy đua với mạng xã hội, đừng để tin giả dắt mũi. Hơn lúc nào hết, người đọc, dù hiếu kỳ, nhưng trong thâm tâm, họ luôn mong báo chí trở lại  với bản chất và thế mạnh là người đưa tin trung thực, xác tín, trở lại những giá trị đích thực của báo chí.

Mỹ Hằng