“Estonia là một trong những quốc gia tham nhũng ít nhất ở Châu Âu hay so với những quốc gia Tây Âu cũ hiện nay. Tôi cho rằng, Estonia khống chế được mức độ tham nhũng thấp như vậy phần lớn là do hiệu quả của việc nâng cao tính minh bạch thông qua tin học hóa” – Ông Toomas Hendrik IIves – Nguyên Tổng thống Estonia cho biết.

LTS: Chiều ngày 14/05 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử tại Hà Nội. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng "Khẩn trương thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng phi tập trung như bài học của Estonia và Pháp. Đây là giải pháp phù hợp với Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta có quá nhiều hệ thống thông tin tại các cấp nhưng không kết nối được, không chia sẻ được với nhau”. Phóng viên Tuần Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Nguyên Tổng thống Estonia – Ông Toomas Hendrik IIves về những bài học và kinh nghiệm xây dựng thành công chính phủ điện tử và xã hội số.

- Là một quốc gia nhỏ ở vùng Baltic với dân số gần 1,3 triệu người, nhưng Estonia hiện đang nằm trong số những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ thông tin. Với nhiệm kì Tổng thống từ năm 2006 đến 2016 của mình, ông đã điều hành, dẫn dắt đất nước Estonia làm thế nào mà chỉ trong vòng 10 năm, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, Estonia đã phát triển được một nền công nghiệp công nghệ cao mạnh mẽ như vậy?

Ông Toomas Hendrik IIves: Mọi chuyện bắt đầu vào đầu những năm 90 khi Estonia đứng trước nhu cầu cấp bách tái thiết đất nước. Thật may mắn khi chúng tôi có một lực lượng trẻ đông đảo cùng chung ý tưởng khi bắt đầu với nhau rằng, công nghệ sẽ là con đường phải đi.

Tư tưởng mà tôi truyền đạt tới mọi người lúc ấy rằng Estonia sẽ phải mất khoảng 50 năm mới thoát khỏi lạc hậu trong tất cả các lĩnh vực từ xây dựng đến cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục….

Khoảnh khắc quan trọng nhất với tôi vào thời điểm ấy là Marc Andreessen tại Đại học Illinois Urbana – Champaign ra mắt trình duyệt website về thương mại đầu tiên, bởi trước đó chưa hề có một trình duyệt website nào. Tôi lại là người rất yêu thích công nghệ, tôi đã đi mua một chiếc hộp nhỏ để gắn vào máy tính từ đó tìm tòi, khám phá. Sau những trải nghiệm về công nghệ ấy, tôi nhận ra rằng, đây chính là lĩnh vực mà đất nước tôi đang cần tập trung cho dù Estonia đang còn đầy rẫy những ngổn ngang trước mắt, những di sản của chế độ cũ để lại.

{keywords}
Nguyên Tổng thống Estonia - Ông Toomas Hendrik IIves

Tôi đã phân tích với các cộng sự lúc ấy, Estonia đang hầu như bị bỏ lại phía sau rất nhiều so với các quốc gia khác gần như trong mọi lĩnh vực. Nếu ngay lúc này chúng ta tập trung bắt tay phát triển mảng Công nghệ thông tin thì Estonia vẫn có thể tham gia vào cuộc chạy đua với thế giới, rút ngắn được khoảng cách tụt hậu.

Estonia đã bắt đầu từ đó, khắp mọi nơi trên quốc gia Estonia đều tham gia vào Công nghệ thông tin để tự bùng nổ bản thân mình, tự thoát ra khỏi bầu không khí u ám đang che phủ trên khắp đất nước tôi lúc bấy giờ.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm, khi theo chiến lược tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi gặp không ít ý kiến trái chiều thời điểm ấy. Có người cho rằng sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Đặc biệt với ý tưởng tin học hóa và kế nối Internet trên toàn bộ các trường học, trong suốt cả năm trời, không một tuần nào trôi qua mà chúng tôi không bị chì chiết rằng ý tưởng này lãng phí tiền bạc và thời gian.

-Sự giàu có của Estonia về công nghệ đã biến Estonia trở thành quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực chính phủ điện tử (E-government) được thành lập vào tháng 8/2000. Đến năm 2002, Estonia đã sử dụng chứng minh thư điện tử, cho phép mọi người có thể truy cập vào vô số những dịch vụ công cộng trên các trang web (như an ninh xã hội, công an, giáo dục…) với sự đảm bảo rằng, những cổng truy cập của chính phủ điện tử và dữ liệu được bảo vệ an toàn. Để có những ứng dụng công  nghệ thành công trong việc quản lí, trở thành một chính phủ điện tử như thế thì Estonia đã bắt đầu như thế nào? Và khi bắt đầu có vấp phải những khó khăn trở ngại nào không?

Ông Toomas Hendrik IIves: Trước hết, chúng tôi thực hiện kết nối mạng Internet cho các trường học, đồng thời cung cấp các chương trình hỗ trợ tình nguyện đi kèm. Từ đó nhu cầu sử dụng máy tính tại các trường học tăng cao, chúng tôi đã có chính sách là thành phố, hoặc chính quyền cấp cao hơn sẵn sàng hỗ trợ một nửa chi phí.

Khi các ngân hàng nhận thấy lợi ích của việc kết nối mạng với khách hàng, người già và đặc biệt những người ở vùng nông thôn sẽ tiết kiệm được chi phí trong khi nếu ngân hàng mở một chi nhánh nhỏ ở từng địa phương sẽ tốn kém đủ các loại chi phí cơ sở hạ tầng, lao động…Từ đó các ngân hàng đã chủ động tham gia. Nhiều tổ chức tình nguyện viên đã đi khắp cả nước để giảng dạy cho người dân cách sử dụng máy tính. Đó là bước đầu để giúp người dân nâng cao nhận thức và kĩ năng cần thiết cho việc thực hiện các thao tác ngân hàng trực tuyến.

Chúng tôi cũng phát triển khả năng truy cập trực tuyến các dịch vụ công ở tất cả các cấp chính phủ trên cả nước. Những tín hiệu ban đầu đó cho thấy sự cấp thiết của một chính phủ điện tử, chúng tôi càng nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và nghiêm túc hơn nữa để đưa ra những cải tiến đột phá trong lĩnh vực này.

Thật may mắn khi chúng tôi có những cộng sự cùng đam mê và am hiểu về công nghệ, cùng chung những dòng suy nghĩ về một xã hội điện tử. Đến lúc đó mọi người nhìn nhận đó là một ý tưởng tuyệt vời. Thế là tất cả cùng chung tay xây dựng, kết hợp giữa chuyên môn kĩ thuật và việc hoạch định chính sách để thúc đẩy từ ý tưởng đi đến thực tế trên cơ sở luật pháp, chính sách và cơ chế.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 14/05 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử của nước ta. Ảnh: VOV

-Thế giới còn nhắc nhiều đến những thành công của quốc gia Estonia khi ứng dụng thành công hệ thống thuế thanh toán  trựctuyến. Thuế điện tử đã trở thành quy phạm, 94% người Estonia có hồ sơ trên mạng, những hồ sơ này được đánh thuế và trả tiền thuế qua mạng. Ông có thể chia sẻ mô hình này?

Ông Toomas Hendrik IIves: Chúng tôi thường quyết toán thuế vào tháng 3. Mọi công dân, doanh nghiệp đăng nhập vào hệ thốngbằng tài khoản của mình và hệ thống sẽ hiện lên tất cả những hoạt động bạn đã làm việc trong một năm qua. Dù bạn làm ở một công ty lớn nhỏ ra sao, làm ở một hay nhiều nơi, các vấn đề liên quan đến thuế đều được lưu lại tại đây.

Tất cả các khoản thu nhập đượclập báo cáo và bạn có thể quan sát được trên cổng thông tin này. Bạn có thểtiến hành đóng thuế ngay tại đây. Việc khấu trừ thuế cũng được thực hiện tự động trong trường hợp có con dưới 18 tuổi.

Sau đó, nếu kiểm tra thấy mọi thứ đều đúng, hãy nhấn nút enter, tất cả hoàn tất chỉ trongvòng 3-5 phút. Nếu bạn thanh toán thuế trực tuyến, sau đó bạn sẽ nhận lại khoản khấu trừ thuế trong vòng một tuần, hệ thống sẽ trả trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của bạn.

Tôi cho rằng, điều khích lệ các Chính phủ thực hiện chiến lượcsố hóa này chính là tỷ lệ tuân thủ gia tăng đáng kể. Mọi người sẵn sàng đóng thuế nếu dễ dàng làm việc đó. Hệ thống này cũng khiến cho việc gian lận trở nên khó khăn hơn hoặc thậm chí bất khả thi.

Chúng tôi có một hệ thống khá đơn giản, nhưng trong mọi trường hợp, người dân đều yêu thích. Điều mà ngườidân Estonia khi ra nước ngoài hoặc làm việc ở nước ngoài đủ phải đóng thuế đều thấy nhớ và thực sự đánh giá cao có lẽ là hệ thống thuế trực tuyến của nước mình.

-Một thành công khác khiến Estonia chứng tỏ sức mạnh công nghệ của mình qua hệ thống bầu cử trực tuyến. Từ sớm năm 2007, Estonia đã lên kế hoạch trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép cử tri tham gia bầu cử Quốc hội thông qua mạng Internet. Ông có thể chia sẻ đôi điều về hệ thống bầu cử trực tuyến này?

Ông Toomas Hendrik IIves: Đúng vậy. Hiện nay, Estonia có khoảng 30-40% số phiếu được bầu qua mạng, tương đương khoảng 1/3. Trong năm đầu tiên chúng tôi đã làm được 5% và sau đó tăng lên và bây giờ duy trì ổn định trong 3-4 cuộc bầu cử gần đây.

Bỏ phiếu trực tuyến mang lại hiệu quả đặc biệt cho cộng đồng Estonia ở nước ngoài vì nếu không bạn chỉ có thể bỏ phiếu ở những nơi như Đại sứ quán. Với đặc thù địa lí là một quốc gia nhỏ, chúng tôi không thể có nhiều Đại sứ quán ở mọi nơi và có người Estonia sinh sống trên khắp thế giới. Thậm chí nếu ở Hoa Kỳ, bạn cũng chỉ có thể đến bỏ phiếu ở Đại sứ quán tại Washington D.C. hoặc tổng lãnh sự quán ở New York. Nhưng giờ thì tôi có thể bỏ phiếu qua mạng, ngay tại California.

Thời điểm khi triển khai hệ thống bầu cử qua mạng cũng có nhiều vấn đề quan ngại. Không ít người nói rằng họ không tin tưởng vào hệ thống và nhiều vấn đề khác. Nhưng không hẳn như vậy bởi bỏ phiếu qua mạng cũng diễn ra theo cách như trên giấy và tất nhiên bỏ phiếu giấy có thể dễ gian lận như việc mua chuộc phiếu bầu. Danh sách đăng ký cử tri không hẳn an toàn như danh sách đăng ký trong hệ thống.

-Ông có những cố vấn gì cho Việt Nam từ những trải nghiệm thành công khi xây dựng chính phủ điện tử cho Estonia?

Ông Toomas Hendrik IIves: Trước hết, những gì chúng tôi đã làm và thành công là cho trẻ em làm quen với máy tính. Chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng đổi mới trong giáo dục sẽ phải mất từ 15-20 năm mới mang lại hiệu quả. Nhưng trẻ em càng được bắt đầu làm quen sớm với máy tính càng tốt.

Sau đó, hãy tính đến bước tiếp theo, như tôi đã nói ở trên, chúng ta cần phát triển chứng minh thư điện tử để mọi người có thể kết nối an toàn,  rồi tính đến việc phát triển những nền tảng để qua đó có thể cung cấp đa dạng các dịch vụ.

Một điều rất quan trọng nữa khi tin học hóa hay số hoá là các bạn cần cung cấp những dịch vụ mà người dân yêu thích. Tin học hóa các dịch vụ công sẽ có ý nghĩa đối với chính quyền vì điều đó làm cho mọi thứ trở nên hiệu quả hơn. Người dân sẽ không tham gia nếu họ không thấy yêu thích, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là làm cho họ yêu thích chẳng hạn như họ thấy dễ dàng thanh toán thuế, dễ dàng tiếp cận với chăm sóc y tế, thuốc thang. Làm việc với bộ máy hành chính quan liêu có thể là một trải nghiệm khủng khiếp ở hầu hết các quốc gia nếu thực hiện tin học hóa hệ thống này, nhưng sau đó chúng ta sẽ phải ồ lên rằng mình đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những việc đó.

Tôi luôn ủng hộ việc sử dụng chứng minh thư điện tử như cách Estonia đã và đang làm khi áp dụng công nghệ vào cuộc sống.

Ngoài ra, hiện nay cũng có lựa chọn khác nữa. Điều tôi thực sự muốn khuyến nghị là hãy truy cập vào trang chủ của Ngân hàng Thế giới (WorldBank), trong đó có một cuốn sách khoảng bốn trăm trang có tên Digital Dividends 2016, tác giả là Kaushik Basu - Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Hãy đọc nó, bạn sẽ thấy một số lượng lớn các nghiên cứu đã được thực hiện, tìm hiểu xem điều gì là quan trọng trong công cuộc số hóa bởi vì mỗi quốc gia là khác nhau và ở đó bạn có thể tìm thấy một loạt các giải pháp.

Estonia là một trong những quốc gia tham nhũng ít nhất ở Châu Âu hay so với những quốc gia Tây Âu cũ hiện nay. Tôi cho rằng, Estonia khống chế được mức độ tham nhũng thấp như vậy phần lớn là do hiệu quả của việc nâng cao tính minh bạch thông qua tin học hóa.

Nếu không làm như vậy, chắc hẳn chúng tôi đã không có được một ngành công nghệ thông tin mạnh dựa trên nền tảng kinh tế tốt. Ngoài ra, có lẽ chúng tôi là nước duy nhất ở Đông Âu đã biết vào thời điểm đó không bị ảnh hưởng bởi vấn đề di cư. Một số người bỏ ra nước ngoài nhưng cũng rất nhiều người quay trở về. Estonia không bị chảy máu chất xám. Estonia hẳn sẽ rất khác ngày hôm nay nếu không thực hiện những gì đã làm trong suốt những năm vừa qua.

Lan Anh thực hiện

Nguyên Tổng thống Estonia – ông Toomas Hendrik IIves là người lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội trong những năm 1990. Ông phục vụ cho chính phủ với vai trò là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 1996 đến năm 1998 và nhiệm kỳ thứ hai từ năm 1999 đến năm 2002. Từ năm 2004 đến năm 2006, ông là thành viên của Nghị viện Châu Âu. Ông được bầu làm Tổng thống Estonia vào ngày 23 tháng 9 năm 2006. Ông là vị Tổng thống thứ tư của Estonia nhiệm kì từ ngày 09 tháng 10 năm 2006 đến 10 tháng 09 năm 2016.

Nguyên Tổng thống Toomas Hendrik IIves đã được Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) vinh danh là Nhà Lãnh đạo thế giới về An ninh mạng vào ngày 12 tháng 12 năm 2017. Ông được vinh danh nhờ những thành tựu xuất sắc trong suốt 10 năm nhiệm kì Tổng thống của mình (2006-2016). Ông đã xây dựng chiến lược phòng thủ trên Internet, đưa Estonia trở thành một quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin, an ninh mạng, và đặc biệt là xây dựng thành công chính phủ điện tử.