Bài viết này chỉ dẫn ra ba sự kiện “hệ lụy” rõ ràng và cũng khá bất ngờ bắt nguồn từ sự kiện Brexit.

Sự kiện Vương quốc Anh rời bỏ EU (Brexit) rõ ràng gây ra những hậu quả to lớn về mọi mặt, chính trị, kinh tế, xã hội đối với nước Anh, các nước thành viên EU và cả thế giới. Song có cả những hệ lụy bất ngờ mà trước đó ít người nghĩ tới!

Anh rời bỏ EU… London đề nghị rời Anh !

Dân chúng sống ở Thủ đô London đa số muốn nước này ở lại EU. Theo BBC, ngay trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, đã có gần 60% cử tri London bỏ phiếu ở lại EU, thậm chí một số khu vực còn đạt tới con số 70%.

Trong chiều hướng đó, chỉ một ngày sau khi trưng cầu dân ý, đã có 60% người London cho biết sẵn sàng rời Vương quốc Anh để ở lại Liên minh châu Âu EU. 

Một nguồn thông tin khác cho biết thêm: Đã có tới gần 100.000 người ký vào đơn thỉnh cầu với nội dung mong muốn tách thủ đô London ra khỏi xứ sở sương mù và xin cho London ở lại với các nước bạn lâu đời EU.

Mạnh mẽ hơn, với ước mong thủ đô London gắn cùng số phận nước Anh đều ở lại EU, hơn 100.000 người đã ký tên trong bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu Quốc hội Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về việc Anh nên ra đi hay ở lại EU.

{keywords}{keywords}

Sự kiện Brexit gây dẫn theo nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: Corbettreport.com

Anh rời bỏ, Scotland đòi ở lại với EU

Thủ hiến Scotland, (một quốc gia thành viên của Vương quốc Anh), bà Nicola Sturgeon, sớm lên tiếng rằng: Đây là một kiểu "dân chủ không thể chấp nhận" được khi Scotland phải đối mặt với viễn cảnh bị đưa ra khỏi EU chống lại ý muốn của mình.  

Bà Nicola Sturgeon nêu rõ chính kiến: “Chúng tôi là một đất nước hiện đại, hướng ra bên ngoài toàn diện và chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi không muốn rời khỏi Liên minh châu Âu”. Bà khẳng định, xứ này quyết tâm ở lại EU bất chấp sự kiện Brexit.

Bà Sturgeon đã có chuyến bay đến Brussel đúng vào thời điểm các nhà lãnh đạo EU tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh liên quan các vấn đề Anh chọn rời khỏi EU. Gặp gỡ báo giới, bà cho biết: “Tôi đến Brussel hôm nay là để mọi người hiểu rằng Scotland không như những bộ phận cấu thành khác của vương quốc Anh.”

Giới phân tích nhận định, vị Thủ hiến Scotland nhân chuyến đi này muốn thúc đẩy đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh và khẳng định: Scotland sẽ ở lại EU một khi nước Anh hoàn tất tiến trình tách ra khỏi liên minh này.

Tiếng Anh có còn là ngôn ngữ chính thức?

Dĩ nhiên, cùng với sự kiện Brexit, vị trí “thống soái” của tiếng Anh hay ngôn ngữ Anh sẽ không còn giữ nguyên như cũ. Vậy ngôn ngữ nào sẽ thay thế tiếng Anh đối với châu Âu và thế giới sau khi Anh quốc rời châu Âu EU? Câu hỏi trên hẳn sẽ được đặt ra sau khi Brexit chính thức trở thành hiện thực.

Và trong thực tế, vấn đề lớn ở trên đã bung ra. Ngày 27/6/2016 vừa qua, người đứng đầu Ủy Ban các vấn đề hiến pháp thuộc Nghị viện châu Âu, bà Danuta Hübner đã lên tiếng rằng, tiếng Anh sẽ không còn là một trong những ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu sau khi Anh rời EU.

Ai cũng biết, tiếng Anh vốn là ngôn ngữ chính thức của Anh, trong EU hiện có 24 ngôn ngữ chính thức của 24 quốc gia thành viên của EU. Vì vậy, theo bà Danuta Hübner,khi nước Anh hoàn tất quá trình rời EU, tiếng Anh có thể sẽ không còn “vị thế” trong EU nữa. Và bà Hübner đã chính thức kết luận: “Nếu chúng ta không có Vương quốc Anh, chúng ta sẽ không có tiếng Anh”.

Và theo thông tin của Wall Street Journal, Ủy ban châu Âu bắt đầu sử dụng tiếng Pháp và Đức thường xuyên hơn trong giao tiếp với bên ngoài, như một động thái mang tính biểu tượng hậu Brexit. Còn chủ tịch hội đồng Tuscany của Ý, Eugenio Giani thì kêu gọi đưa tiếng Ý thành một trong những ngôn ngữ chính thức của EU.

Rõ ràng, cùng với hiện tượng Brexit của nước Anh vị trí tiếng Anh bắt đầu lung lay. Và sự lung lay về vị trí của tiếng Anh liệu có lan tỏa ra toàn thế giới, trong việc sử dụng ngôn ngữ chính thức ở các hội nghị quốc tế, trong văn kiện ngoại giao giữa các nước và cả trong chương trình giảng dạy ở các trường học trên toàn thế giới. 

Bài viết này chỉ dẫn ra ba sự kiện “hệ lụy” rõ ràng và cũng khá bất ngờ bắt nguồn từ sự kiện Brexit. Tuy vậy, mọi tiên liệu trên có trở thành hiện thực hay không còn phải chờ diễn biến ở nội bộ Vương quốc Anh tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.

Trần Minh