Pháp luật thượng tôn, XH cởi mở, dân chủ, quản lý công khai- minh bạch… Đó là những giá trị mà trong cả tiến trình phát triển, nhân loại phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt để “cho không” các cộng đồng, các quốc gia đi sau. Vậy mà sao lại không nhận.

Những ngày này, trong vô vàn vấn đề lớn của đất nước, có hai sự kiện - một của sân khấu, một của cuộc đời, một của cá nhân, một của cộng đồng - mang tính chất tôn vinh, nhưng đều đánh dấu một sự thay đổi đáng mừng và cần thiết trong nhận thức và hành động.

Người đa tài và những giá trị thật

Đó là việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho danh hài Hoài Linh (tên thật là Võ Nguyễn Hoài Linh- diễn viên kịch nói thuộc Sân khấu kịch Nụ cười Mới ở t/p HCM). Điều đặc biệt nhất, anh lại là một nghệ sĩ hải ngoại. Và là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được tôn vinh với 100% số phiếu của Hội đồng xét tặng các cấp, mà không tính đến số huy chương (một tiêu chuẩn đã thành nếp xưa nay của ngành văn hóa khi xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ biểu diễn)

Điều đặc biệt không kém, hồn nhiên dẫn dắt anh đến với danh hiệu NSUT - anh là một nghệ sĩ đa tài và có nhiều đóng góp, cống hiến cho đời sống nghệ thuật XH. Thật bất ngờ, nếu chỉ nhìn vào hình thức của Hoài Linh. Dường như tạo hóa đã không cho Hoài Linh những ưu thế cần thiết của một nghệ sĩ biểu diễn. Vẻ mặt hơi khắc khổ, ít dáng dấp chất nghệ sĩ. Nhưng bù lại tạo hóa như đóng “con dấu nghệ sĩ” vào hồn vía con người này. Và bù hơi… nhiều.

Vừa là một danh hài xuất chúng, một cây hài ăn khách của Sân khấu Nụ cười mới, một nghệ sĩ kịch, anh đồng thời còn là một nghệ sĩ múa, một ca sĩ với nhiều ca khúc dân ca, nhạc nhẹ. Cuộc đời của người nghệ sĩ như cánh chim trời nay đây mai đó, lúc trong nước, lúc ở trời tây, ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào, Hoài Linh cũng khẳng định một năng lực diễn xuất tài tình. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn, Hoài Linh còn là thành viên của ban giám khảo rất nhiều chương trình truyền hình được khán thính giả yêu thích, quan tâm, theo dõi.

Anh là người nghệ sĩ không phụ nghề, và nghề không phụ anh.

{keywords}

Nghệ sĩ Hoài Linh phát biểu nhận giải tại Mai Vàng 2014.

Hiếm có nghệ sĩ biểu diễn nào lại “nhận” được nhiều đến thế: Lúc giành giải Nghệ sĩ hài xuất sắc, lúc giành giải Nam diễn viên kịch nói xuất sắc, Nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất, Diễn viên hài được yêu thích nhất. Tháng 2/2015, Hoài Linh nhận được tròn 10 năm giải Mai Vàng do báo Người Lao Động tổ chức và 01 giải thành tựu cống hiến 20 năm.

Điều thú vị nhất, bằng tài năng bẩm sinh và sự lao động nghệ thuật say mê, cống hiến cho quê nhà, Hoài Linh góp phần đem đến cho XH khái niệm về gía trị tài năng đích thực, đủ sức vượt qua cả mọi định kiến, rào cản, trên hành trình đất nước hội nhập và phát triển- vào lúc thời cuộc đang rất cần có sự đổi mới về nhận thức và tư duy.

Biểu tượng của tư duy đổi mới?

Sự “vượt qua rào cản” còn được đánh dấu bằng một thông tin mới. Sáng ngày 17/1, đã diễn ra lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Khu tưởng niệm linh thiêng nằm trên đỉnh núi Thới Lới, phía đông bắc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cách Hoàng Sa 170 hải lý. Đây là quê hương của Hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn ra thực thi chủ quyền tại quần đảo.

Khiến tất cả những người Việt yêu nước quan tâm, bàn luận.

Dù còn bàn luận đa chiều, ngay cả khái niệm “nghĩa sĩ” cũng có nhiều sự nhìn nhận khác nhau, người ủng hộ, kẻ chê bai, nhưng điểm đỉnh của sự tưởng niệm là biểu tượng Người mẹ thắp lửa (cao 16m) đứng trên bờ biển ngóng chồng con trở về, hẳn ai cũng xót xa, ngưỡng vọng. Bởi bao đời nay, những đứa con máu đỏ da vàng không phân biệt bên này hay bên kia, đã dám dấn thân, hiến dâng xương máu, để thân thể Tổ quốc vẹn nguyên, từ thời thời Chúa Nguyễn cử các đội hùng binh ra thực thi chủ quyền, khai phá quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa- cũng là thời nước Việt xác lập chủ quyền trên bản đồ thế giới (Việt NamNet, ngày 17/1).

Hãy nghe những vị tướng lĩnh, những nhà nghiên cứu sử học, và cả chính những người lính trong cuộc nói về việc “khép lại quá khứ”, bằng chính máu xương, và sự dấn thân của họ cho độc lập chủ quyền dân tộc ra sao.

Cách đây hai năm, tháng 1/2014, trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã thẳng thắn: Cần tôn vinh tinh thần yêu nước của những quân nhân VNCH chống ngoại xâm. Hành động của họ- chiến đấu giữ Hoàng Sa tháng 1/1974, không để một thế lực nước ngoài nào vào xâm lược mảnh đất của Tổ quốc là hành động yêu nước, hành động chính nghĩa và cần được nhân dân ghi nhận.

Còn trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên, ngày 06/1/2014, Ts Nguyễn Nhã, tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho rằng, việc vinh danh những con người đã từng ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa là cần thiết, để từ đó đoàn kết dân tộc nhằm đòi lại chủ quyền vùng đảo thiêng liêng này.

{keywords}
Lễ khởi công khu tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa sáng 17/01.

Đó chính là sự kết nối bền chặt tinh thần dân tộc VN. Không đâu khác sự kết nối đó có nguồn cội là quê hương, xứ sở, là nước Việt ngàn đời khổ đau nhưng can trường. Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân đã từng khiến cho triệu triệu con tim người Việt rưng rưng cất tiếng: Quê hương là chùm khế ngọt/Cho con trèo hái mỗi ngày/Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay…  Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người.

Tại buổi lễ khởi công, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn VN cảm động: Để gìn giữ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, biết bao người con đất Việt đã ngã xuống, kể cả binh lính VNCH vào năm 1974, và nhiều ngư dân của VN đã ngã xuống vùng biển này.

Cựu binh Lê Hữu Thảo, người lính trực tiếp tham gia trận hải chiến Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988: Tôi tin rằng một phần khu tưởng niệm chắc chắn để tri ân 74 người lính VNCH đã hi sinh trong trận chiến Hoàng Sa. Là người VN và không tiếc máu xương bảo vệ lãnh thổ VN thì phải coi đó là người có công đối với dân tộc.

Người lính Lê Hữu Thảo- người trong cuộc đối mặt với cái sống cái chết để bảo vệ chủ quyền biến đảo, đã nhìn nhận như thế về những người lính không cùng chiến hào, nhưng trước nghĩa lớn, đều nhìn về một phía- nước Việt- lẽ nào chúng ta, những người không phải cầm súng lại thờ ơ chỉ vì cái rào cản xưa cũ, che chắn tầm mắt hòa hợp lòng người?

Biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết?

Cả hai câu chuyện, tặng danh hiệu NSUT cho danh hài hải ngoại Hoài Linh, và xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ bảo vệ Hoàng Sa, vô tình hay hữu ý, đều diễn ra trước kỳ ĐH Đảng XII, liệu có phản chiếu sự đổi mới ít nhiều trong tư duy và hành động của nước Việt không? Chắc chắn là có.

Bởi ĐH Đảng XII là một sự kiện chính trị trọng đại, để từ đây, một ekip nhân sự cao cấp nhất của đất nước sẽ ra mắt quốc dân đồng bào, gánh vác bổn phận và trách nhiệm lớn- lãnh đạo đất nước trên hành trình hội nhập để phát triển, nhất là TPP đang sáp gần.

Sự gánh vác đó, nặng hay vừa sức, tùy thuộc vào cái tâm, cái tầm, cái tài, cái đức của họ.

Có hàng trăm bài viết trên các báo, các trang mạng về chủ đề này, với bao dự đoán, tin đồn. Nhưng điều chắc chắn, mong mỏi của người dân cả nước là ĐH XII lựa chọn được những người lãnh đạo có tư duy trẻ, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, có năng lực hành động trước những vấn đề lớn của đất nước gắn với đặc thù XH, và gắn với đặc điểm thời đại- “Hội nhập để phát triển”.

{keywords}
Ông Hà Sỹ Đồng

Đó là một XH đang mày mò trên con đường kinh tế thị trường “có định hướng XHCN”. Nhưng nền tảng lý luận về mô hình này còn mỏng manh, chưa đủ sức thuyết phục. Lại đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chủ quyền biển đảo, nội lực lại bị áp lực bởi các loại tham nhũng, lợi ích nhóm và những tiêu cực khác giằng kéo. Trong lúc giá trị năng suất lao động thấp, phân hóa giàu nghèo sâu sắc, các thang bậc giá trị về văn hóa- đạo lý có phần rối loạn…

Không phải ngẫu nhiên, ý kiến của rất nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, giám sát XH đều tụ hội và chia sẻ chủ đề nhân sự. Bởi vận mệnh mỗi quốc gia bao giờ cũng được quyết định ở những người anh hùng tạo nên thời thế. Và ngược lại…

Thế nên, ý kiến về nhân sự thật đa dạng, và khá tập trung vào phẩm cách, tư cách. Đủ biết tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tác động mạnh tới tâm lý XH ra sao.

Tỷ như ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH: Những người vào trong TƯ phải là người đại diện xuất sắc, tiêu biểu thật sự và tất nhiên cá nhân mình không được "nhúng chàm", không được mất dân chủ, tham ô, tham nhũng. Còn nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh: Tâm thức không thể vì lợi ích nhóm (VietNamNet, ngày 21/1).

Phó Gs. Ts Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì nói thẳng: Để lọt một cán bộ biến chất vào Trung ương sẽ rất nguy hiểm. Họ có thể làm đảo lộn đất nước (VietNamNet, ngày 14/1)

Ở cấp cơ sở, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Không riêng tôi, tuyệt đại đa số người dân VN đều mong muốn các vị lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới, và trước nhất là những người luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết (VietNamNet, ngày 19/1).

Tư duy mới, và biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết- tâm nguyện chính đáng đó của nhân dân với các lãnh đạo cao cấp nhiệm kỳ mới này, chắc chắn, các vị sẽ phải trả lời trong thực tiễn.

Kiểm soát quyền lực ra sao?

Mặt khác, cần phải thấy đặc điểm của thể chế chính trị nước Việt là “Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện”. Vì thế, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn hiện tượng độc đoán, chuyên quyền và tha hóa trong Đảng cũng là vấn đề cốt tử của đất nước. Đây không phải vấn đề mới, nhưng tiếc thay, vẫn ít có những giải pháp thiết thực, hữu ích. Trong muôn vàn câu hỏi, có lẽ kiểm soát quyền lực vẫn là câu bỏ ngỏ nhất.

{keywords}
ông Vũ Ngọc Hoàng

Trong nhiều ý kiến, người viết đồng cảm với nhìn nhận của ông Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp, khi trả lời báo Pháp luật t/p HCM, cách đây 05 năm, khi ông đưa ra 03 tiêu chí cho rằng, có tác dụng kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa chính trị.

Đó là mở rộng dân chủ. Thiết lập một hệ thống luật pháp đầy đủ để XH vận hành đúng như quy luật cuộc sống.

Có luật báo chí rành mạch để bảo vệ “quyền kêu đau” của XH, một sự thực hiện có hiệu quả “quyền kiểm soát quyền lực” của nhân dân. Hai quyền ấy đặc biệt quan trọng, vì nó bảo vệ lợi ích XH và cả lợi ích chính quyền.

Cần rành mạch khái niệm sở hữu. Không được để các tài sản, tài nguyên của đất nước và của từng cá nhân bị xâm phạm, bị tước đoạt, cưỡng bức.

Ở góc độ tư pháp, ông Nguyễn Trần Bạt còn cho rằng, bản chất của nó bên cạnh việc điều chỉnh các quan hệ xã hội còn có chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước. Và đây chính là mục tiêu tối thượng của luật pháp. Cải cách lập pháp để làm gì nếu như pháp luật không đủ sức kiểm soát quyền lực nhà nước?

Rõ ràng, tính thượng tôn của pháp luật phải gắn liền với mở rộng dân chủ mới tạo nên sức mạnh kiểm soát quyền lực. Đó cũng là những tổng kết từ thực tiễn của các quốc gia  văn minh, khoa học, lành mạnh.

Năm năm sau, tại cuộc trả lời phỏng vấn của VietNamNet, ngày 07/8/2015, ông Vũ Ngọc Hoàng cũng có một cách nhìn, mà người viết cho rằng, đó là sự gặp nhau của những nhà nghiên cứu XH, khi ông thẳng thắn:

Việc lớn nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề kiểm soát quyền lực. Quốc gia nào mà thả lỏng, không kiểm soát được quyền lực, nhất định sẽ dẫn đến tha hóa, tham nhũng, lợi ích nhóm. Lâu nay Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, nhìn chung đều đúng cả, và cũng tích cực thực hiện, vậy mà suy thoái vẫn không dừng, thậm chí còn tăng hơn. Phải chăng còn thiếu điều quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực và các cơ chế đảm bảo dân chủ thực sự. Phải kiểm soát quyền lực bằng cơ chế dân chủ, quyền tham chính của nhân dân; bằng công luận, sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều trần.

Pháp luật thượng tôn, XH cởi mở, dân chủ, quản lý công khai- minh bạch… Đó là những giá trị mà trong cả tiến trình phát triển, nhân loại phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt để “cho không” các cộng đồng, các quốc gia đi sau. Vậy mà sao không nhận…???

Kỳ Duyên