Đất nước chỉ thực sự hùng cường nếu các giá trị  của dân tộc được phát huy và vận dụng một cách đầy đủ và hợp lý hợp với nền quản trị tiên tiến và dung hợp.

Bốn mươi năm giang sơn thu về một mối cũng là bốn mươi năm đất nước chúng ta “bước ra ngoài một lần diệt vong, dựng mái nhà chung” như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng mong ước. Trong bốn mươi năm đó, ước vọng của người Việt đã thay đổi rất nhiều từ những điều giản dị là được sống bình yên không tiếng súng, đến ăn no, mặc ấm và ngày nay là sự thịnh vượng quốc gia.

Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh hiện thời, có thể nói con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam đang gặp phải rất nhiều thách thức.

Quan điểm cho rằng "thiên hạ cứ hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp” có thể được xem là một triết lý Á Đông. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất triết lý này có ảnh hưởng quan trọng đến “cách tư duy” của người Việt ngày trước, khi cho rằng xã hội luôn vận động và thay đổi theo chu trình nhất định và không có gì là vĩnh viễn.

Vận động và thay đổi cũng được Phương Tây coi là quy luật của phát triển, tuy nhiên khác biệt lớn nhất ở đây chính là sự kế thừa sau mỗi lần thay đổi. Trong khi Phương Tây tuân theo sự vận động và thay đổi nhưng kế thừa các di sản do các triều đại khác để lại thì ở lịch sử Phương Đông và cả Việt Nam đã rất nhiều lần các thay đổi không đi cùng với tính kế thừa mà đơn giản chỉ là bắt đầu một vòng quay mới theo hướng nằm ngang chứ không theo hướng vừa ngang vừa đứng. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến cho đất nước chưa chạm được đến "ngưỡng phát triển" của dân tộc.

Điển hình cho sự kế thừa của người Phương Tây, rất gần gũi với chúng ta đó là nước Pháp. Mặc dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử và thậm chí dân Pháp đã từng tử hình cả Vua Louis XVI của họ, nhưng người Pháp đã gìn giữ và kế thừa rất tốt các di sản của tổ tiên để lại cho dù đó là của Triều Đại Charles, Henry hay Napoleon, cụ thế nhất là sự tráng lệ và cổ kính của kiến trúc Paris.

{keywords}

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ Việt kiều nhân dịp Tết Ất Mùi. Ảnh: VTV

Tính từ khi thoát khỏi bắc thuộc vào năm 938, các triều đại của Việt Nam luôn phải chống lại các cuộc xâm lăng từ ngoại bang. Hậu quả của các cuộc chiến này là kinh tế suy kiệt, mất mát nguồn lực và cơ sở hạ tầng bị tàn phá, đến khi giành được độc lập lại phải làm lại từ đầu.

Lịch sử cho thấy sự phủ định có phần cực đoan để chứng tỏ tính chính danh mang màu sắc Phương Đông phần lớn chỉ là một vòng quay đơn thuần và thiếu tính kế thừa. Trong những lần đó, sự mất mát về con người và thiệt hại về cơ sở vật chất để giúp phủ định cái cũ thường chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người. Kết quả của việc này là một chu kỳ mới và xã hội lại tiếp tục lặp lại quá trình “hồ hởi - phát triển một chút – tham nhũng, mua bán chức quyền, hưởng thụ, hội hè, v,v – suy thoái – hủng hoảng – và thoái trào”. Vòng xoáy này là có thật và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần vì đại cục của những người có nhiều quyền lợi và “trách nhiệm” trong xã hội, đặc biệt những người có khả năng ra quyết định.

Thường thì mỗi khi bắt đầu một chu kỳ mới, khoảng vài chục năm đầu, đa phần dân chúng lạc quan và hồ hởi xây dựng lại đất nước từ sự đổ nát của chiến tranh. Khi mà của cải chưa nhiều thì chính lại là lúc mọi người đồng lòng nhất do tinh thần thời chiến còn ít nhiều ảnh hưởng và người dân còn có nhiều nỗi lo chung về cơm ăn, áo mặc.

Sự nghiệt ngã lớn nhất mà quy luật phủ định Á Đông chi phối đó là lúc đất nước bước vào thời kỳ phát triển, khi của cải đã nhiều hơn và xã hội bị phân cấp thành các nhóm hay tầng lớp khác nhau trong khi các cải cách về thể chế không theo kịp nhằm hạn chế đặc quyền của các nhóm lợi ích thì các nguy cơ suy thoái đã tự hình thành.

Nhiều thất bại trong quá khứ có liên quan đến vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo bình đẳng xã hội, hạn chế các khác biệt ngày càng tăng lên do quyền lực mang lại.

Một khi các giá trị của trí, tín, nghĩa ngày càng giảm đi trong xã hội đồng thời những hạn chế của Nho giáo như “bảo thủ” – ngại thay đổi; “bè cánh, phe phái”; “tôn ti, trật tự” một cách cứng nhắc và “háo danh” có điều kiện được nở rộ thì cũng chính là dấu hiệu cho thấy vòng xoáy hợp tan đang sẵn sàng quay lại.

Ngại và sợ các thay đổi, cũng đã khiến đất nước bỏ lỡ nhiều cơ hội giao thương và tạo dựng các mối quan hệ đối tác với bên ngoài. Trong khi cơ hội để thiết lập lại từ đầu thì không phải lúc nào cũng có. Sự đơn độc của Triều Nguyễn vào nửa cuối của thế kỷ 19 đã tạo điều kiện cho người Pháp làm được điều họ muốn – xâm lược và đô hộ nước ta trong 80 năm có lẻ.

Việc vận dụng hài hòa các giá trị cũ, kế thừa qua hàng nghìn năm của dân tộc, chắt lọc các tinh túy của Nho Giáo và các Tôn giáo khác cùng các công cụ mới trong việc huy động sức mạnh toàn dân bởi các lãnh đạo như Hồ Chí Minh đã đưa nước Việt tái sinh sau gần một thế kỷ bị đô hộ.

Cái sâu xa ở đây chính là tự thoát ra khỏi khuôn phép và tư duy thông thường vốn được Nho Gia áp đặt hàng nghìn năm để khơi trong gạn đục quá khứ, học hỏi cái hay của thiên hạ nhằm đạt được mục đích chính, đem lại độc lập cho dân tộc. Nếu chúng ta tiếp thu nhuần nhuyễn và vận dụng hài hòa tư tưởng này thì không cần phải tìm ở đâu xa, sự cường thịnh sẽ xuất hiện trên mảnh đất này.

Các bài học từ sai lầm cũng như thành công của quá khứ có thể giúp ích gì cho Việt Nam ngày hôm nay?

Thứ nhất, tiền nhân có thể đôi lúc làm chưa trúng, nhưng đó chính là những gì chúng ta cần khắc phục và thay đổi, vì chỉ có như vậy đất nước mới có thể thay đổi theo hướng tiến lên. Các giá trị của nhân dân, xã hội và quá khứ chính là nền tảng để hiện tại dựa vào và xây cho to lớn thêm.

Thứ hai, nó cung cấp một cái nhìn về tính thực dụng trong việc xác định chúng ta là ai, đang ở đâu và muốn tồn tại và phát triển thì ngoài việc phát huy các giá trị của dân tộc mình, đất nước mình thì việc tạo dựng quan hệ, bạn bè đối tác với thế giới bên ngoài để tạo thêm sức mạnh và phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Thứ ba, Việt Nam không thể sống một mình trong một thế giới “phẳng” như ngày nay nếu ngại những thay đổi để rồi từ chối các chính sách phát triển theo tính “động”.

Cuối cùng, đất nước chỉ thực sự hùng cường nếu các giá trị  của dân tộc được phát huy và vận dụng một cách đầy đủ và hợp lý hợp với nền quản trị tiên tiến và dung hợp - lấy giá trị xã hội làm nền tảng, bộ máy nhà nước và các cơ quan giám sát làm trụ cột, cùng các mục tiêu hợp lý có tính chiến lược để cùng chung tay hành động, đưa Việt Nam thực sự phát huy hết tiềm năng phát triển.

Trần Văn Tuấn