BÁO CÁO

CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THÀNH PHONG,
CHỦ TỊCH UBND TP.HCM TẠI HỘI NGHỊ THÀNH ỦY

(19 giờ, ngày 25/7/2021)

       Kính thưa các đồng chí

Từ ngày 27/4 đến nay, thành phố có 55.570 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố. Riêng trong 17 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận 46.892 ca nhiễm; như vậy trung bình mỗi ngày phát hiện 2.931 ca bệnh; các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu phong tỏa, khu cách ly.

Tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách từ chính người dân và việc kiểm soát của cơ quan chức năng “ngoài chặt trong lỏng”. Hiện nay ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường dù Thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chúng ta phải nhận thấy rằng việc này cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài, nếu không dừng lại tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc thành phố phải áp dụng những giải pháp mạnh nhất, cao nhất và sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Trước đây sau 1 tuần giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, Thành phố có đặt ra 3 kịch bản chống dịch. Dù rất cố gắng nhưng Thành phố vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và phải thực hiện kịch bản thứ 2 là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao và hiện nay trước tình hình nêu trên kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, đây là điều mà thành phố không mong muốn.

Để kịch bản thứ ba không xảy ra, trên cơ sở Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Công văn số 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 với các biện pháp hết sức quyết liệt, chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, để thực hiện hiệu quả nhất, Tôi yêu cầu:

1. Nếu người dân còn ra đường thì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tôi yêu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình thực hiện nghiêm "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; tuyệt đối không được ra khỏi nhà sau 18 giờ, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh. 

Lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 và phải tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải gương mẫu chấp hành phòng chống dịch, nếu vi phạm xem xét xử lý kỷ luật.

2. Chính quyền địa phương tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”.

Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này đề nghị liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.

Mỗi khu phong tỏa phải thành lập Tổ công tác quản lý, trong đó có sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, Thanh niên Xung phong, các đoàn thể và Tổ COVID-19 cộng đồng để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.

Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu, kể cả cách chức.

3. Yêu cầu tất cả mọi người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế). Lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà. Mọi trường hợp vi phạm cách ly tùy theo mức độ sẽ xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật.

4. Các lĩnh vực được phép hoạt động phải định kỳ đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các Bộ tiêu chí an toàn và tuyệt đối không tập trung đông người; khuyến khích phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”, cụ thể như:

Các cơ quan, đơn vị nhà nước phải giảm tối đa người làm việc tại công sở. Nghiên cứu tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

Ngân hàng, chứng khoán; các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistic; các doanh nghiệp sản xuất,..

Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.

Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách. Cho phép các đơn vị duy trì chế độ trực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, duy trì các hệ thống thông tin.

Các công ty quản lý shipper phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động đến mức tối thiểu theo hướng: giảm ít nhất từ 10% so với ngày 22/7/2021 - ngày thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Shipper phải thực hiện nghiêm các qui định phòng dịch Covid19 và chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, cụ thể, có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện… thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động; và phải xuất trình thông tin cho cơ quan chức năng khi kiểm tra. Công ty phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải, danh sách này sẽ được các cơ quan chức năng truy suất khi kiểm tra. Riêng các đơn vị không quản lý bằng các ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…) thì phải thực hiện đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn, phạm vi hoạt động cũng chỉ trong địa bàn quận huyện cụ thể.

5. Đẩy mạnh test nhanh tại các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điểm nóng để quét nhanh bóc tách trường hợp nghi nhiễm và nhiễm ra khỏi cộng đồng. Tổ chức chặt chẽ đội nhóm trực 24/24 để tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ (kể cả trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ hay khu vực cộng đồng ít nguy cơ…).

Nâng cao năng lực điều trị, áp dụng kết hợp cả đông và tây y; huy động toàn bộ hệ thống các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia điều trị (sáng nay tôi đã đi 03 bệnh viên tư nhân Triều An, Xuyên Á, Hoàn Mỹ  Thủ Đức đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của hệ thống y tế tư nhân mong muốn góp sức, tham gia cùng Thành phố điều trị các ca bệnh Covid).

Tăng cường hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó Thành phố đã kêu gọi huy động đội ngũ y bác sỹ đã nghỉ hưu, lương y, các chức sắc tôn giáo, Hội Chữ thập đỏ tham gia phòng, chống dịch.

Để giảm thiểu ca bệnh chuyển nặng, tôi yêu cầu tất cả các cơ sở thu dung điều trị phải bố trí các giường bệnh cấp cứu ban đầu có đủ oxy để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn, phải đặt mục tiêu giảm tử vong lên trên hết, trước hết.

6. Triển khai tổ chức tiêm vắc xin một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân; mọi người dân đều bình đẳng về quyền lợi tiêm vắc-xin; quá trình thực hiện ngành y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.

7. Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân rộng các gian hàng 0 đồng, phiên chợ nghĩa tình,…, khi khó khăn người dân có thể liên hệ đường dây nóng qua tổng đài 1022 hoặc đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ.

8. Đảm bảo cung cấp hàng hóa, thiết yếu cần thiết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly; không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh.

9. Nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tình huống phức tạp; chủ động xây dựng kế hoạch; phương án đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ trên địa bàn; đặc biệt tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối và phòng chống cháy, nổ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị, khu phong tỏa, khu cách ly

10. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; đa dạng và thay đổi hình thức tuyên truyền như: tờ rơi, xe phát thanh lưu động, các ứng dụng trên điện thoại di động,...để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là các hộ gia đình trong các khu dân cư, khu phong tỏa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngoài những biện pháp chính nêu trên, tôi yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức nghiên cứu kỹ các nội dung chỉ đạo tại Công văn 2468 để triển khai với tinh thần quyết liệt nhất, chỉ có quyết liệt và quyết tâm thì chúng ta mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Trước mắt việc thực hiện các biện pháp trên sẽ được áp dụng đến ngày 01/8 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2021, tùy vào tình hình diễn biến dịch bệnh, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo với quyết tâm sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố, mang lại cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân Thành phố.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trên; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách./.