Kính thưa đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN,

Thưa các đồng chí!

Đài tiếng nói Việt Nam là một cơ quan báo chí lớn của quốc gia, là đài tiếng nói quốc gia, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài tiếng nói Việt Nam cũng là một đài truyền hình lớn. Với nhân sự 2.500 người và nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng, với 8 kênh phát thanh và 16 kênh truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam có quy mô, vùng phủ và ảnh hưởng xã hội rất lớn. Năm 2021, các đồng chí đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh đại dịch bùng phát chưa từng có tại Việt Nam. Đó là một cố gắng lớn, một đóng góp lớn vào sự thành công của ngành TTTT. Năm 2022 sẽ là một năm đặc biệt, khi cả nước thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, và các đồng chí bắt tay xây dựng Đài tiếng nói Việt Nam thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, theo Đề án sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, thay đổi về chất đối với Đài. Bộ TTTT sẽ đồng hành cùng các đồng chí trong sự thay đổi này.

Khi một cuộc cách mạng xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nhiều cái mới sẽ thay những cái cũ. Nếu chúng ta không thay đổi kịp thì chúng ta sẽ bị thay đổi. Nhiều cách làm, kinh nghiệm thành công trong quá khứ lại trở thành cản trở cho thành công trong tương lai. Vinh quang có thể trở thành gánh nặng. 

Cuộc CMCN lần thứ 4 thì chủ yếu là cuộc cách mạng số, mà chúng ta gọi là chuyển đổi số. Lên môi trường số thì ai cũng có thể thành tờ báo, thành đài truyền hình, thành đài phát thanh. Lên môi trường số thì khán thính giả trở thành người chủ động lựa chọn, on-demand sẽ là cách sử dụng chủ đạo. Lên môi trường số thì sự sáng tạo là vô hạn. Lên môi trường số thì phải dùng công cụ lao động mới là công nghệ số. Vậy là, phương tiện làm việc mới, cách làm việc mới, khách hàng mới, cạnh tranh mới. Có thể nói, CĐS là sự đổi mới toàn diện. Đài tiếng nói Việt Nam cần một sự quyết tâm rất cao để đổi mới. Chủ động trong quá trình này thì mới đảm bảo thành công. 

Thưa các đồng chí!

Năm 2021 là một năm rất khó khăn với đất nước, với báo chí, do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Nhưng có lẽ, chỉ có những khó khăn lớn mới tạo ra sự phát triển mới. Những vấn đề của báo chí, của truyền thông bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Và chúng ta đã không né tránh. Chúng ta đã đối diện. Cách tốt nhất để trưởng thành là đi xuyên qua khó khăn thay vì né tránh.

Vấn đề kinh tế báo chí. Chúng ta đã thấy sự phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo. Chúng ta đã thấy những cơ quan báo chí tự chủ thiếu đặt hàng của nhà nước và bị thị trường chi phối. Năm 2022 sẽ là năm quản lý nhà nước phải tạo ra sự thay đổi căn bản về đặt hàng báo chí.

Vấn đề truyền thông. Trước nay, ta vẫn coi truyền thông là của báo chí mà quên rằng truyền thông là của chính quyền, của các cơ quan, tổ chức, còn báo chí là phương tiện. Lường trước các vấn đề của truyền thông, có kế hoạch truyền thông, sử dụng đúng các phương tiện truyền thông là việc của các cơ quan, tổ chức. Bộ TTTT sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kiện toàn cơ quan chuyên trách truyền thông của các bộ ngành và các địa phương. Cùng với đó là chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan này. 

Vấn đề trách nhiệm của báo chí, truyền thông. Qua đại dịch, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn sứ mệnh của báo chí, tinh thần phụng sự cộng đồng, nhân dân và Tổ quốc của báo chí. Đã nhiều năm, chúng ta ít nói đến những từ như phụng sự, sứ mệnh báo chí. Thì nay, chúng ta nói nhiều hơn, và cũng không ngại nói đến, không ngượng khi nói đến và tự tin hơn khi nói những từ to tát ấy. Nếu không có sứ mệnh thì giống như đi mà không có ngôi sao dẫn lối. Không có tinh thần phụng sự thì không có năng lượng của trời đất hỗ trợ. Sứ mệnh và tinh thần phụng sự luôn làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta có ý nghĩa hơn. 

Đại dịch cũng làm cho những người làm báo chí, truyền thông sát cánh bên nhau hơn,  cùng đi vào tâm dịch, cùng chia sẻ chung trách nhiệm với đồng bào mình, đất nước mình. Và qua đại dịch, chúng ta là một khối thống nhất hơn, đoàn kết hơn. 

Đại dịch Covid-19 đi kèm theo đại dịch về tin giả. Và cũng chính qua đại dịch tin giả ấy mà người đọc quay lại với giá trị cốt lõi của báo chí, đó là tin xác thực. Báo chi lên ngôi thay vì bị mạng xã hội nhấn chìm. Và lý do không bị nhấn chìm là do chúng ta luôn trung thành với những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng. Muốn đi xa, muốn bay cao thì càng phải về gần. Giống như cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với cái gốc của mình. Qua hàng chục năm, đã có lúc nghi ngờ về chính mình, thì nay, chúng ta đã có niềm tin vững chắc vào những giá trị cốt lõi của mình.

Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và sâu sắc nhất là vào lĩnh vực truyền thông. Nhưng báo chí lại đang đi sau về công nghệ số, về chuyển đổi số (CĐS). Trên bình diện quốc gia, năm 2020 là năm tuyên ngôn về CĐS, năm 2021 là tổng diễn tập CĐS, năm 2022 sẽ là năm tổng tiến công CĐS. Theo kịp thời đại hay không thì không phải là việc thay đổi các giá trị cốt lõi mà là thay đổi công nghệ, thay đổi cách làm. Năm 2022 cũng sẽ là năm CĐS báo chí. Bộ TTTT là nơi mà các CQBC khi CĐS gặp khó khăn gì thì tìm đến. 

Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 1/2021 đã nói đến giấc mơ đó. Là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó cũng là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng. Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào “hoá rồng, hoá hổ” mà không có sức mạnh tinh thần.

Một năm có tới 365 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ cần cố gắng tốt hơn hôm qua 1% thì sau một năm chúng ta sẽ có sự phát triển tới 38 lần! Vậy là một năm không ngắn, đủ dài để làm những việc lớn. Vậy là sự bền bỉ vươn lên là quan trọng. Mục tiêu đã rõ, con đường đã rõ, còn lại là sự bền bỉ vươn lên mỗi ngày. 

Xin chúc mừng năm mới Nhâm Dần! Xin chúc sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với từng người và từng nhà! Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ thổi bùng lên khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng! Chúc Đài tiếng nói Việt Nam sẽ có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp của báo chí cách mạng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại tổng kết Đề án số hoá truyền hình

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại tổng kết Đề án số hoá truyền hình

Sau đây là toàn văn bài phát biểu định hướng của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị Tổng kết Đề án số hoá truyền hình ngày 12/1/2022.