Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những hoạt động gắn liền với việc bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, tạo dựng sự phát triển của tương lai của mỗi dân tộc từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo quốc tế về “Vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững" vào ngày 5/12 tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. 

{keywords}
Hội thảo quốc tế về “Vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững" diễn ra vào ngày 5/12 tại tỉnh Ninh Bình. 


Tham dự hội thảo có ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hoá, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Kwangho Kim, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc, bà Uyanga Sukhbaaatar, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ, chuyên gia, nhà quản lý các địa phương các khu di sản và danh hiệu của UNESCO tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa di sản trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và cộng đồng, tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng du khách quốc tế, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước trên thế giới.

Tuy nhiên, di sản văn hóa và thiên nhiên đang phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của xã hội. Đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, công việc bảo tồn di sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm sao để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn các di sản là vấn đề đặt ra với nhiều quốc gia.

Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết với UNESCO cũng như hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển cân bằng, hài hòa của quốc gia và địa phương có di sản. Ông Dũng nhấn mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng… trong đó không thể thiếu được vai trò điều phối các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn liên quan và với các địa phương của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, kiến nghị chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vì sự phát triển bền vững; cung cấp các thông tin cơ bản về bảo tồn di sản và vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO cũng như nâng cao nhận thức trong xã hội về sự cần thiết của bảo tồn di sản; tăng cường mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và bài học từ các quốc gia khác; bàn giải pháp phát huy vai trò của con người, cộng đồng, doanh nghiệp, thanh niên trong các hoạt động bảo tồn di sản.

Tình Lê