Ngày 9/12 tại Colombia đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị 14 Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam có di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái" sẽ được Ủy ban xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện.

{keywords}
Khai mạc Hội nghị 14 Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (Ảnh: Phạm Cao Quý).

Năm nay, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể họp tại Trung tâm hội nghị Agora, thành phố Bogota, Colombia từ ngày 9 -14/12. Đây là lần đầu tiên Ủy ban họp tại Mỹ La tinh và Caribe.

Bà Maria Claudia Lopez Sorzano, Thư ký Văn hóa, Giải trí và Thể thao của thành phố Bogota sẽ là Chủ tịch Hội nghị. Trong 6 ngày làm việc, 24 thành viên của Ủy ban liên chính phủ sẽ xem xét sự tiến triển và đưa ra những quyết định về việc thực thi Công ước 2003. 

Ủy ban sẽ xem xét hướng dẫn về làm thế nào các thực hành tốt nhất trong việc bảo vệ di sản sống trong tình huống khẩn cấp,... Ủy ban liên chính phủ cũng xem xét tình trạng các di sản đã ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và hỗ trợ quốc tế trong việc nỗ lực bảo vệ di sản sống.

{keywords}
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (Ảnh: Phạm Cao Quý).

Như mọi năm, Ủy ban sẽ xem xét các hồ sơ ghi danh vào các danh sách của Công ước. 6 di sản được xem xét để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. 42 di sản sẽ được xem xét để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 3 hồ sơ sẽ được xem xét đăng ký các thực hành tốt nhất. 3 yêu cầu hỗ trợ quốc tế cũng sẽ được Ủy ban xem xét.

Trong nhiều năm qua, về lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, UNESCO đã thực hiện nhiều hoạt động có ảnh hưởng rõ nét trong hoạt động bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể trên toàn thế giới và cả ở mỗi quốc gia. Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể ra đời là minh chứng rõ ràng nhất. Tính đến nay, đã có 178 quốc gia tham gia Công ước và được dịch ra 32 ngôn ngữ khác nhau. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước (Việt Nam phê chuẩn Công ước vào 20/9/2005). Bằng cách này hay cách khác, các nội dung của Công ước đã và đang được Việt Nam đưa vào thực thi. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc nội dung về di sản văn hoá phi vật thể đã được đưa vào Luật Di sản văn hoá. 

Tính đến nay (08/12/2019), UNESCO đã ghi danh 12 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách trong tổng số 508 di sản của 122 quốc gia.
1- Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Triều Nguyễn - 2003/2008
2- Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên 2005/2008
3- Dân ca Quan họ - 2009
4- Hát Ca Trù - 2009
5- Hội Góng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc - 2010
6- Hát Xoan Phú Thọ - 2011/2017
7- Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - 2012
8- Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - 2013
9- Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh - 2014

10- Nghi lễ và trò chơi Kéo co - 2015

11- Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - 2016
12- Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ - 2017

 


Tình Lê