Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hoá phi vật thể: Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa thế giới.

Mo Mường là gì?

Ngày 25/12/2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 3015/QĐ-UBND về việc Ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Mo mường Hòa Bình giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, "Mo" có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc Mo nhòm (tả cảnh), những "cát" Mo (một trường đoạn) kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng. Còn về mặt danh từ, là để chỉ những người làm nghề Mo (ông Mo) và những bài Mo, những áng Mo.

{keywords}
Một thầy Mo Mường. 

Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ở các vùng Mường hiện nay có 5 làn điệu Mo được dân gian đặt tên: Ò hoi, Dà đôông, Dà dê, Hâm mo và Hệu kệu. Những làn điệu Mo này, về mặt âm nhạc có giai điệu khác nhau. Cách gọi tên như vậy vì đó là đặc điểm dễ phân biệt giữa các điệu Mo, là câu hô xướng đầu tiên của các điệu Mo.

Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Giới nghiên cứu cũng khẳng định, Mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình.

Theo nghệ nhân ưu tú lĩnh vực tri thức văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng: Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này.

Cách đây hàng trăm năm, từ thời Pháp thuộc, việc nghiên cứu Mo Mường đã được tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của Mo Mường.

Năm 2015, di sản văn hóa "Mo Mường - Hòa Bình” đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Năm 2016, tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hoà Bình và 25 năm tái lập tỉnh, tỉnh ta đã đón nhận bằng công nhận Mo Mường được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với nghệ thuật Chiêng Mường.

Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc” hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, các khung cửa bằng gỗ quý được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.

{keywords}
Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ.

Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, có hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu.

Theo các nhà khảo cổ học, căn cứ vào chất liệu và hình dáng của pho tượng thì đây là tác phẩm điêu khắc có từ thời trung cổ.

Hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam) thu hút hàng triệu lượt du khách ở khắp nơi trong và ngoài nước đến để tham quan, chiêm bái.

Đông nhất là vào thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch). Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Trong đó, ngày 22-4 sẽ diễn ra lễ phục hiện rước tượng bà từ bệ đá sa thạch năm xưa trên đỉnh núi Sam về miếu bà, đến đêm 23 rạng sáng 24-4 sẽ cử hành lễ Tắm bà.

Lễ Túc yết và lễ Xây chầu là 2 lễ chính sẽ được cử hành vào đêm 25 rạng sáng 26-4 với nghi thức cúng tế cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui. Và kết thúc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào ngày 27-4 sau khi cử hành lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Năm 2001, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân - sư - rồng… phục vụ nhân dân và du khách.

Ngày 19-12-2014, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang gắn với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VHTTDL công nhận là Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và cả nước.

Tình Lê