Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về Hội nhập quốc tế và UNESCO do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Mai Phan Dũng, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO – Bộ Ngoại giao đã đưa ra những kế hoạch đối với di sản văn hoá trong giai đoạn 2019-2020. 

{keywords}
Bảo vệ hồ sơ Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 vào tháng 12/2019 tại Colombia.

Đối với Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới: tham dự Kỳ họp 43 và 44 Ủy ban Di sản Thế giới, thực hiện các nghĩa vụ báo cáo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới, khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam…

Tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác xử lý, tham mưu về chính sách, văn bản pháp luật quản lý nhà nước trong việc thực hiện Công ước: Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Nghị định thay thế Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012); tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa, thiên nhiên; kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật về di sản văn hóa...

Thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới: Thẩm định kế hoạch quản lý di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2018-2020; Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Góp ý quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long...

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích trong các khu Di sản Thế giới, đồng thời, đã tiến hành thẩm định hàng loạt dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại các khu di sản thế giới nhằm bảo vệ tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của các di sản thế giới: Thẩm định dự án tu bổ di tích tháp G4, khu di tích Mỹ Sơn; Báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản tu sửa mái vòm cổng Nam Thành nhà Hồ; ý kiến về hệ thống Zipline đa phương thức và tổ hợp các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; thẩm định dự án chiếu sáng mỹ thuật xung quanh kinh thành Huế…

Hợp tác các đối tác nước ngoài trong việc tu bổ, phục chế một số di tích, di sản tại Việt Nam: phối hợp triển khai dự án hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong tu bổ các nhóm tháp tại khu di tích Mỹ Sơn; tiếp nhận, phát huy kết quả các dự án phối hợp CHLB Đức bảo tồn và phục hồi cổng, bình phong, non bộ, kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại Điện Phụng Tiên, Huế, dự án làm sạch cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế...

Hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang (Bắc Kạn, Tuyên Quang), di tích Óc Eo (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang), Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng).

Hỗ trợ Lào trong việc chuẩn bị kế hoạch, thủ tục xây dựng Hồ sơ Vườn quốc gia Hin-nam-no, huyện Bua-la-pha, tỉnh Khăm Muộn trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam, gắn kết di sản thế giới với phát triển du lịch bền vững, đưa các di sản thế giới trở thành điểm đến nổi bật, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương sở hữu di sản, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để đưa ra định hướng phát huy các giá trị di sản cho phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm và tìm hiểu giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch.

Phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam trong công tác chuẩn bị, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm Hội An, Mỹ Sơn được công nhận di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm-Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thời gian trong năm 2019.

Đối với Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa

 Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ cổ vật. Ví dụ: đề xuất điều chỉnh Thông tư liên tịch số 104/2007/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 30/8/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn một số nội dung chi, mức chi cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận các bảo vật quốc gia.

Phối hợp tổ chức các cuộc trưng bày giới thiệu giá trị các di sản văn hóa, bảo vật quốc gia ở nước ngoài.

Tham dự các Hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế về chống trộm cắp và mua bán trái phép các tác phẩm nghệ thuật, tài sản văn hóa và đồ cổ.

Đối với Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: Tham dự Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 tổ chức từ 09 - 14/12/2019 tại Bogota, Colombia...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ; vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã tại các di tích, cơ sở thờ tự và trong lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Tiếp tục thực hiện việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo tinh thần của Công ước 2003.

Tiếp tục triển khai và lập đề án/dự án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Tiền Giang, Hậu Giang, Nình Thuận), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (tỉnh Nam Định, Thừa Thiên Huế); các di sản trong Danh mục quốc gia (tỉnh Lào Cai, Ninh Bình, Hà Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Bình Định, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Bắc Kạn).

Bảo vệ hồ sơ Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 vào tháng 12/2019 tại Colombia.

Tháng 3/2019, Tiểu ban Văn hóa đã trình UNESCO các hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái, hồ sơ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đệ trình vào các danh sách của UNESCO. Hiện nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp tỉnh Bắc Ninh triển khai xây dựng hồ sơ “Tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vị trí thành viên Ban Tư vấn Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tiếp nhận tài trợ của Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ICHCAP) để thực hiện dự án sản xuất video về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Thời gian thực hiện: Đến hết 31/10/2019.

Đối với Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ, phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa

Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại Công ước 2005: tham dự các phiên họp, đóng góp tài chính tự nguyện, các nghĩa vụ báo cáo…

Tiểu ban Văn hóa chủ trì phối hợp với Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai hoàn thiện Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm giai đoạn 2016-2019 theo quy định của UNESCO.

Tiểu ban Văn hóa phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng Quy chế sơ tuyển các dự án của Việt Nam xin tài trợ của Quỹ Quốc tế về đa dạng văn hóa (IFCD) theo quy định của UNESCO.

Tăng cường tiếp cận và huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, hỗ trợ nghệ thuật đương đại, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa và sáng tạo, góp phần tích cực thực hiện Công ước nói chung và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nói riêng.

Tình Lê