Sự kiện “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” vừa được UNESCO vinh danh không chỉ là niềm tự hào đối với Việt Nam, mà còn đặt ra câu hỏi trước việc phải nhận diện đúng về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, tránh việc lạc nhịp.

Đó là những trao đổi, đánh giá của các chuyên gia văn hóa tại buổi tọa đàm “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa” do Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản Văn hóa Phi vật thể Việt Nam phối hợp với BQL di tích Phủ Tây Hồ tổ chức vào cuối tuần qua 25/12.

{keywords}

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người Việt. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia di sản phi vật thể thì thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội.

Ông Phạm Sanh Châu – Đặc phái viên của TT Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thừa nhận: "Bản thân tôi cũng hết sức lo ngại trước sự biến tướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được vinh danh di sản. Nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở Phủ, lên đồng và coi việc được UNESCO vinh danh di sản để "bảo hiểm" cho việc này".

Ông Châu cũng lo ngại từ những hệ lụy này sẽ xảy ra việc không phân biệt được những giá trị thật và giả của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Do đó, “sức nặng” rất lớn đang đặt lên vai Bộ VHTT&DL và tất cả các cấp. Ông Phạm Sanh Châu cũng ví von đây như là một tấm huân chương có mặt đẹp bóng bẩy và cả mặt xấu xí. "Chúng ta vinh danh một di sản để rồi không được thực hành tốt thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Như mới đây có việc đưa biểu diễn Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các buổi khai mạc Hội thảo, hội nghị tôi đã góp ý là không phù hợp. Chúng ta cần phải cảnh giác cao độ. Bởi song hành với sự tự hào là những nguy cơ bị bóp méo, thực hành sai là rất lớn",  ông Châu cho hay.

PGS. TS Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, áp lực không chỉ ở phía nhà quản lý mà ở ngay trong chính cộng đồng và cần có sự phối hợp chặt chẽ.

{keywords}

"Cộng đồng góp phần tích cực không chỉ trong truyền dạy, đảm bảo gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động trục lợi, buôn thần bán thánh",  PGS. TS Nguyễn Thị Hiền phát biểu.

Không chỉ nỗi lo biến tướng của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hậu vinh danh mà việc bảo tồn một trong những “hồn cốt” của tín ngưỡng là Hát văn cũng đang đặt ra nhiều băn khoăn. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Hồ Thị Hồng Dung - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dòng chảy thời gian quả là khắc nghiệt, sau một thời gian bị kìm nén từ những năm 50 tới những năm 80 của thế kỷ XX, khi được phục hồi, âm nhạc Hát văn của tín ngưỡng Tứ phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ. Sự tác động của kinh tế và đời sống xã hội, nhạc pop và nhạc phương Tây đã làm thay đổi thẩm mỹ âm nhạc của cung văn cũng như con nhang đệ tử.

Bà Dung lý giải rằng, cung văn hiện nay phần lớn chỉ học đàn và hát, thậm chí qua băng cassette mà không được đào tạo theo lối truyền thống biết khoa cúng, ngạch sớ, chữ Hán-Nôm và ít người hát được trọn vẹn một bản văn thờ. 

{keywords}

Ngoài ra, từ những năm 1990, hầu hết các dàn nhạc Hát văn đều sử dụng loa, amply, micro. Âm thanh được khuếch đại và nhờ vậy người cung văn không phải hát to, không tốn hơi. Tuy nhiên, những thiết bị kém chất lượng này lại đôi khi làm méo mó âm thanh. 

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang tạo nên nhiều nỗi lo sau khi được vinh danh nên cần lắm sự góp sức của cộng đồng và cả những nhà quản lý văn hoá.

T.Lê

Ảnh: Ngọc Thành