Với những giá trị đặc sắc riêng có, mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký chứng nhận "Nghề gốm Thanh Hà - phường Thanh Hà - thành phố Hội An - tỉnh Quảng Nam" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, cách khu phố cổ Hội An hơn 3km về hướng Tây. Sử cũ kể rằng, đầu thế kỷ 16, các cư dân từ vùng Thanh Hóa di cư vào xứ Quảng mang theo nghề gốm dựng làng, xây lò, sản xuất những mặt hàng gốm gia dụng như nồi, bát, đĩa, ấm chén phục vụ cả một khu vực miền Trung Trung Bộ rộng lớn.

 

{keywords}
"Nghề gốm Thanh Hà", phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Gốm Thanh Hà thịnh vượng nhất vào khoảng TK 17 – 18 gắn với thương cảng Hội An. Các sản phẩm của làng gốm được lên thuyền đi khắp vùng xứ Quảng, Thừa Thiên, rồi lên cả tàu biển vượt đại dương đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha…

Suốt mấy trăm năm qua, nghề gốm Thanh Hà có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu và sức sáng sạo của nghệ nhân làng gốm thì không bao giờ tắt. Đến nay làng gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.

Làng nghề hiện có 33 hộ sản xuất với khoảng 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và 1 thợ giỏi. Sản phẩm có hai dòng là gốm sành nâu (đồ xanh), được nung với độ lửa cao từ 800 đến hơn 1.000 độ C và dòng gốm đỏ (đồ đỏ), được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống.

Ngày nay, sản phẩm làng gốm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo. Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc và các công trình khách sạn, nhà hàng…

Ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm, giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người dân trong làng và du khách.

Tình Lê