Theo ông Hang Pov, người điều hành Cơ quan Quốc gia Apsara chịu trách nhiệm bảo tồn đền thờ Angkor Wat, mọi hành động tổ chức ăn uống hoặc kinh doanh thực phẩm tại đền thờ đều bị nghiêm cấm,  khách du lịch đặt đệm hoặc võng nghỉ trên bãi cỏ quanh đền cũng bị cấm.

“Những hoạt động này đã ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa, môi trường và trật tự công cộng của đền thờ cũng như quần thể Công viên Khảo cổ học Angkor”, ông Hang Pov cho biết.

Đạo luật mới được đưa ra nằm trong nỗ lực của chính phủ Campuchia liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển di sản Đền thờ Angkor Wat, sau khi công trình này đã chịu những tổn hại nghiêm trọng từ hiện tượng biến đổi khí hậu.

Trước đó, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra cảnh báo về sự phá hủy của những lạch nước ngầm đối với đền thờ. Dù nguyên nhân của sự sụp đổ đế chế Angkor vào thế kỷ 15 vẫn còn là một bí ẩn, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra phỏng đoán rằng thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng của đền thờ và cả thành phố Angkor là do đợt hạn hán kéo dài trong khu vực. 

“Chúng tôi rất lo ngại việc tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy và chưa được kiểm soát này sẽ làm tổn hại đến các di tích và môi trường địa phương. Chính vì vậy, khâu bảo tồn là tuyệt đối quan trọng, thay vì các mục tiêu thương mại chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho du khách nước ngoài thay vì người dân bản địa”, ông Teruo Jinnai – quan chức cấp cao của UNESCO làm việc tại Campuchia cho biết.

Theo trang web chính thức của Danh sách Di sản Thế giới, tính toàn vẹn của quần thể Angkor đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng từ hơn 100.000 người dân thuộc hơn 112 khu định cư lịch sử trên khắp địa bàn. Bên cạnh đó, các hành vi ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận du khách cũng ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đối với hình ảnh của Di sản này.

Vào năm 2015, ban quản lý đền thờ đã đưa ra quy định, yêu cầu khách du lịch phải xin cấp phép trước nếu muốn chụp ảnh bên trong và xung quanh quần thể với mục đích thương mại. Trước đó, quy định này chỉ được áp dụng đối với các công ty nước ngoài và nhà báo. 

Được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1992, quần thể di tích đền Angkor Wat là một trong những kỳ quan thế giới và cũng là một địa điểm du lịch Campuchia rất nổi tiếng. Nơi đây mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan, khám phá.

Nằm cách Siem Reap khoảng 6 km về phía Bắc, đền Angkor Wat được vua Suryavarman II xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XII. Diện tích của cả quần thể kéo dài hơn 248 dặm vuông (400 km2), chạy bao quanh đền là một hào nước sâu và rộng. Với thiết kế ban đầu được xây dựng để thờ Hindu giáo nhưng sau này do sự du nhập và phát triển mạnh của đạo Phật, Angkor Wat đã chuyển sang thờ Phật giáo.

Thời xưa khi các vị vua Khmer thua trận rồi chạy về Phnom Penh thì ngôi đền đã dần dần bị rừng già che phủ và lãng quên. Đến năm 1860, một nhà thám hiểm người Pháp tên Herri Mouhot mới phát hiện và khám phá ra ngôi đền Angkor Wat hùng vĩ này.

Toàn bộ quần thể kiến trúc nổi bật và đặc sắc lối điêu khắc cổ đại. Những ngọn tháp, đền đài, phù điêu và hành lang mênh mông đều làm từ đá tảng, xếp chồng lên nhau nhìn rất tự nhiên, ngay cả ở trên nóc vòm. Họa tiết trang trí bằng đá như tượng Phật, vũ nữ, chiến binh và những hình hoa sen minh họa sử thi Ramayana và Mahabharata đều rất sống động, mềm mại.

Tình Lê