Tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm hiện được đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của chùa. Đây là hai bệ đặt tượng Phật tạo hình hai con sư tử, được nghệ nhân chú tâm diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi và sống động, mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt, với sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu, mà phù điêu vốn là một thế mạnh trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý, ta đã được chiêm ngắm qua các lan can thành bậc và viền bia của thời đại này còn lại đến hôm nay.

{keywords}
Tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm hiện được đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của chùa.

Biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá

Cả hai tượng sư tử được tạo tác trong tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, mang vẻ đẹp vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ. Các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm vừa uyển chuyển, vừa khỏe khoắn: Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.

Tuy nhiên, để tạo được “hồn” cho đôi mắt, nghệ nhân đã tạo cho đôi mắt ấy hàng mi cong uốn lượn, đuôi mắt vuốt dài, khiến có được cảm giác thanh thoát, uyển chuyển, mà nghệ thuật điêu khắc thời Lý đã đạt tới đỉnh cao. Miệng sư tử mở rộng để lộ hàm răng, lưỡi đỡ viên ngọc, quanh mép là băng hồi văn xoắn ốc. Má chạm nổi băng hoa nhiều cánh xoắn ốc. Cổ đeo dây lục lạc. Tai sư tử đặt trên mang bạnh, sau mang là những bờm tóc thể hiện bằng nhiều hàng hoa văn xoắn móc. Chân sư tử có 5 móng chim ưng, đang trong tư thế động.

Theo Phật giáo, hình tượng sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ, song với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa – đền Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.

Theo sử sách và nguồn tư liệu thành văn, cùng kết quả khai quật khảo cổ học nhiều mùa tại chùa – đền Bà Tấm đã chứng minh di tích này được xây dựng từ thời Lý. Những giá trị vật chất hiện còn tại đây cho thấy đôi sư tử chùa - đền Bà Tấm là hiện vật gốc gắn liền với di tích này ngay từ khi khởi dựng.

Đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân thời Lý. Không bị dập khuôn theo một hình mẫu nhất định, nghệ nhân đã thực sự sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn thời đại mà nó được sản sinh. Điều đó đòi hỏi một sự hội tụ của trí tuệ, của óc tưởng tượng, của tình cảm và tài nghệ điêu luyện của những nghệ nhân bậc thầy, để có thể sáng tạo nên những tác phẩm quý giá như thế. Đây là hai trong số không nhiều loại hình hiện vật tiêu biểu về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý hiện biết cho đến nay ở nước ta.

{keywords}
Bảo vật quốc gia: Tượng đôi sư tử đá đền – chùa Bà Tấm.

Tính truyền thống, sự kế thừa, phát huy và sáng tạo của văn hóa nghệ thuật Lý

Sự độc đáo của tượng đôi sư tử đá ở đây thể hiện với hình tượng sư tử - một linh vật Phật giáo - làm bệ đỡ cho tượng Phật. Trên tác phẩm thể hiện các đường nét chạm khắc khỏe mạnh, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật thời bấy giờ, đồng thời, thể hiện rõ sự uy nghiêm, quyền năng của một linh vật mang dấu ấn và phong cách thời đại – phong cách đã tạo nên dấu mốc đậm nét trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam ở thế kỷ XII.

Đặc biệt, sự độc đáo của đôi sư tử ở di tích chùa – đền Bà Tấm còn toát lộ, bên cạnh chất tượng tròn được coi là di sản điêu khắc Phật giáo sớm nhất và đẹp nhất thuộc thời Lý hiện còn ở Việt Nam, thì đây còn là tác phẩm điêu khắc đá mang tính phù điêu điển hình. Những thành tựu, thế mạnh của điêu khắc Phật giáo thời Lý được hội tụ trong tác phẩm này, tạo nên sự độc đáo chưa từng thấy trong nghệ thuật điêu khắc đá và đất nung thời Lý.

Tượng thời Lý nói chung, tượng sư tử ở di tích chùa - đền Bà Tấm nói riêng là sản phẩm của thời đại “phục hưng” của nền văn hóa dân tộc - một thời đại mà mọi tinh hoa truyền thống được hội tụ, mọi sáng tạo của thời đại được phát huy sau nghìn năm chống Bắc thuộc bị kìm hãm để nhanh chóng xác lập nên một phong cách vững vàng, ổn định, giàu sắc thái riêng, mở đầu cho một nền nghệ thuật độc lập ở các thời đại sau này của lịch sử Đại Việt.

Nói cách khác, qua việc tìm hiểu phong cách nghệ thuật từ đôi sư tử ở chùa – đền Bà Tấm, chúng ta thấy tính truyền thống, sự kế thừa, phát huy và sáng tạo của văn hóa nghệ thuật Lý như một bước khởi đầu cho nghệ thuật tạo hình Đại Việt, đồng thời tạo nên một cơ tầng vững chắc cho những giai đoạn sau, xác lập nên một bản sắc riêng biệt mà cho đến nay, dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, văn hóa dân tộc vẫn không bị hòa tan.

Cụm di tích chùa - đền Bà Tấm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1996. Có thể khẳng định di tích chùa - đền Bà Tấm là một cụm di tích nổi tiếng, có lịch sử gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội hơn một ngìn năm tuổi.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm xứng đáng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 8 vừa qua.

Tượng sư tử chùa - đền Bà Tấm là hiện vật gắn với một di tích nổi tiếng (quốc tự) và một danh nhân có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử Vương triều Lý: Nguyên Phi - Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan.

Di tích chùa - đền Bà Tấm (Linh Nhân Tư Phúc Tự), xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là một cụm di tích kiến trúc và danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, mang tính chất quốc tự, gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên Phi Ỷ Lan. Những dấu son trong lịch sử Vương triều Lý có công lao đóng góp của bà - người con gái tài sắc vẹn toàn, có tài thay vua nhiếp chính, trông coi việc nước, là niềm tự hào của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, cũng như trong sự nghiệp xây dựng nước nhà cường thịnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, mở mang đạo Phật trong thời bình. Bà là người cho xây dựng nhiều đền, chùa Phật giáo lớn như chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng (Hưng Yên)... Sử cũ chép rằng, riêng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã xây dựng trước, sau hơn 100 ngôi chùa nhưng chỉ một số ít còn lại đến ngày nay. Đương thời, để tỏ lòng biết ơn ân đức cao dày của bà đối với dân lành, nhân dân đã tôn bà là Quan Âm nữ, Bà Tấm...

Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, chùa Linh Nhân Tư Phúc Tự do chính Linh nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan cho xây dựng và khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115). Năm 1117, khi bà qua đời, được hóa thân thành Thánh thì ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng trong khuôn viên Chùa. Dấu tích vật chất của ngôi chùa thời Lý còn lưu giữ qua tượng đôi sư tử đá được đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của di tích, cùng với thành bậc chim phượng, chân tảng đá hoa sen, một số chim uyên ương có niên đại tương đồng, được phát hiện qua khai quật khảo cổ học tại di tích những năm gần đây. Từ thế kỷ XVII-XVIII về sau, nhiều Vương phi, Quận chúa họ Trịnh cùng dân thập phương đã nhiều lần tu bổ, được ghi lại trên các tấm bia lưu tại di tích như: bia Đức Long thứ 6 (1645) hay bia Bảo Đại thứ 18 (1943). Vì vậy, tại đây còn lưu giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật của thời Lý, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn.

 

 

Tình Lê