Số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, trong tháng 3/2019, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng lần lượt là Viettel (82.7%), VinaPhone (63.4%), MobiFone (56.7%) và Vietnamobile (46.3%).

Tính từ thời điểm dịch vụ chuyển mạng đi vào hoạt động đến nay, đã có tổng cộng 256.739 thuê bao đăng ký chuyển mạng, trong đó có 184.038 thuê bao chuyển mạng thành công, đạt tỷ lệ 71.68%.

Xét trên cả giai đoạn, Viettel (86,3%) là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng thành công cao nhất, kế tiếp đó là VinaPhone (71.5%), MobiFone (48.6%) và Vietnamobile (46.1%).

{keywords}
Số liệu mới nhất về tình hình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Nguồn: Cục Viễn thông.

Nhận thuê bao đến dễ hơn cho thuê bao rời mạng

Có thể thấy, với chính sách xử lý mạnh tay của Bộ TT&TT, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các thuê bao di động đã từng bước tăng lên trông thấy. Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng thành công rất thấp. Đó là trường hợp của MobiFone và Vietnamobile.  

Từ ngày 11/3/2019, Bộ TT&TT đã triển khai đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề chuyển mạng. Theo đó, khi gặp vướng mắc về vấn đề chuyển mạng, người dân có thể liên hệ tới số hotline 18006099 của Cục Viễn thông.

Kể từ khi đường dây nóng vận hành đến nay, Bộ TT&TT liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng giữ chân khách hàng không cho chuyển mạng. Theo đó, có tổng cộng 1.780 khiếu nại của người dân gửi lên đường dây nóng, qua đơn thư và trang web của Cục Viễn thông. Trong số khiếu nại này, Vietnamobile chiếm 41%, VinaPhone gần 33%, MobiFone gần 24% và Viettel chiếm chưa đến 1%.

{keywords}
Chính sách khoán và giảm lương nhân viên trong trường hợp để mất thuê bao dẫn đến tình trạng nhân viên của một số nhà mạng gây khó khăn cho khách hàng muốn chuyển mạng giữ số. 

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chính sách khoán và giảm lương nhân viên trong trường hợp để mất thuê bao dẫn đến tình trạng nhân viên của một số nhà mạng phải chịu áp lực giữ chân thuê bao. 

Ở chiều ngược lại, Bộ TT&TT cũng ghi nhận những nỗ lực của Viettel và VinaPhone khi hai nhà mạng này liên tục có tỷ lệ chuyển mạng thành công ở mức cao, chiếm từ 70-80%.

Nhà mạng chuyển đến cũng có quyền can thiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc để người dân tự do chuyển mạng giữ số không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc níu chân người dùng muốn chuyển mạng gây nên bức xúc lớn đối với người dân.

“Dù có phủ sóng tốt đến mấy cũng sẽ có những nơi VNPT không phủ sóng, cũng có những nơi MobiFone sóng tốt hơn Viettel. Điều này là bởi sóng di động không bao giờ tốt ở tất cả mọi chỗ. Việc để người dân tự do chuyển mạng chỉ tác động tối đa đến 1% doanh thu của các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần nới lỏng chính sách chuyển mạng của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các nhà mạng, đặc biệt là MobiFone và Vietnamobile cần chấn chỉnh lại chính sách chuyển mạng của mình, không để người dân phải bức xúc. Ảnh: Trọng Đạt

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, từ ngày 1/5/2019, Bộ TT&TT sẽ ban bố chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70% yêu cầu chuyển mạng phải được thực hiện thành công. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Lúc đó, Bộ TT&TT sẽ có biện pháp xử lý bằng việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp.

Tháng 8/2019, Cục Viễn thông sẽ thực hiện việc chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công bằng tay như hiện nay. Bên cạnh đó, khi người dân đăng ký chuyển mạng gặp trục trặc với nhà mạng cho đi quá thời hạn cho phép, nhà mạng chuyển đến khi đó sẽ được phép nhảy vào can thiệp.

Trong tháng 4/2019, Bộ TT&TT có kế hoạch tổ chức sơ kết việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số tới báo chí và người dân. Bộ sẽ nhận trách nhiệm nếu việc triển khai dịch vụ chuyển mạng được điều hành chưa tốt.

Trọng Đạt