Tình hình triển khai ứng dụng IPv6 tại Việt Nam

Theo báo cáo của ban công tác, trong năm 2018, Việt Nam có kết quả triển khai IPv6 tốt. Tỷ lệ ứng dụng triển khai IPv6 tăng nhanh, đặc biệt trong khoảng thời gian cuối năm.

Hiện Việt Nam có khoảng 14 triệu người sử dụng IPv6. Tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 25,85% (tăng 258,5% so với cùng kỳ năm trước). Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 6 trong khu vực Châu Á - TBD (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản) về việc triển khai IPv6.

{keywords}
Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Việc cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 tới người sử dụng đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới. Hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động và phát triển ổn định. Tất cả các doanh nghiệp lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng kết nối IPV6 quốc tế.

Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc triển khai dịch vụ IPV6 của VNPT, Viettel, FPT Telecom và FPT Online và hoạt động của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng Hệ thống DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).

Năm 2018, VNIX có thêm 4 thành viên kết nối IPv6, nâng tổng số đơn vị kết nối VNIX qua IPv4/IPv6 lên 17/20 ISP. Hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia hoạt động tốt với IPv6 với 5/7 cụm máy chủ hoạt động song song IPv4/IPv6. Trong năm 2019, kế hoạch của VNNIC là sẽ mở rộng hoàn toàn các cụm máy chủ DNS quốc gia hỗ trợ IPv6.

{keywords}
Đại diện các đơn vị có liên quan chia sẻ quan điểm về việc triển khai ứng dụng IPv6. Ảnh: Trọng Đạt

Trong năm 2018, các nhà đăng ký đã triển khai hỗ trợ IPv6 trên hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho khách hàng. Số lượng website dưới tên miền “.vn” hoạt động tốt với IPv6 tiếp tục gia tăng. Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 5.988 website dưới tên miền “.vn" hoạt động tốt với IPv6, trong đó có 34 website của cơ quan nhà nước.

Về mặt hạn chế, hiện mức độ cung cấp dịch vụ IPv6 của doanh nghiệp hiện còn chưa đồng đều, đặc biệt là mảng dịch vụ nội dung còn thấp, khó khăn trong chuyển đổi IPv6 trong mảng dịch vụ di động. Bên cạnh đó, mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ khối vơ quan Đảng, Nhà nước vẫn còn chưa cao.

Chuyển từ IPv4 sang IPv6 là nhu cầu chung của toàn xã hội

Trong năm nay, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia sẽ tiến hành xây dựng và công bố cụ thể các tiêu chí định lượng đánh giá hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Mục tiêu của năm 2019 là phấn đấu đưa tỷ lệ triển khai IPv6 đạt từ 26-28%.

Bên cạnh đó, Ban công tác cũng sẽ mở rộng việc cung cấp dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE và tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp sản xuất thiết bị để xử lý các vấn đề khó khăn trong hỗ trợ IPv6 trên hệ điều hành thiết bị di động đầu cuối. Ban công tác cũng sẽ làm việc trực tiếp với các ISP để chuyển đổi các hệ thống DNS sang IPv6.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định sự cần thiết của việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6. Ảnh: Trọng Đạt

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định, trong thời gian qua, việc ứng dụng IPv6 trên thế giới có nhiều thay đổi. Nhìn cơ bản về lưu lượng và số người dùng IPv6, Việt Nam được đánh giá khá tốt so với thế giới. Tuy nhiên, tốc độ triển khai IPv6 theo kế hoạch vẫn chưa hoàn toàn đạt yêu cầu.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải vẫn đánh giá cao hoạt động của Ban công tác so với xu hướng và tình hình triển khai IPv6 trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, việc chuyển từ IPv4 sang IPv6 đã trở thành nhu cầu tự thân của các nhà mạng. Các nhà mạng muốn tồn tại và muốn cung cấp dịch vụ 5G một cách an toàn, đơn giản trong thời gian tới thì chắc chắn phải chuyển sang IPv6. Đó cũng là lý do tất cả các nhà mạng đều khẳng định sẽ tương cường số người sử dụng IPv6. Điều này càng có ý nghĩa lớn trong bối cảnh các công nghệ mới như IoT, Big Data, AI hay thành phố thông minh được triển khai.

Các nhà mạng từng rất thận trọng bởi việc chuyển đổi sang IPv6 có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi không quá phức tạp và ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh như những lo ngại.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, các nhà mạng chính là đối tượng hiểu nhất về công nghệ này và sự cần thiết của nó. Đây chính là một kết quả quan trọng của Ban công tác. Sau giai đoạn này, không những tự các nhà mạng chuyển đổi IPv6 cho mình mà đây sẽ trở thành nguồn lực hỗ trợ cho tất cả các đối tượng khác trong xã hội.

Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Ban công tác cần báo cáo tổng kết đánh giá lại hoạt động triển khai ứng dụng IPv6 trong suốt thời gian qua. Từ đó, cả xã hội có thể hiểu được sự cần thiết và nhu cầu đối với việc triển khai chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6.

Trọng Đạt