Chính phủ đã ban bành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tuy vậy, thực tiễn thi hành cùng những yêu cầu mới phát sinh khiến các Nghị định cũ đã bộc lộ những hạn chế bất cập, tạo ra những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện.

Nghị định mới đang đề xuất xây dựng được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý phù hợp và tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nhiệp trong nước phát triển.

Trang tin điện tử phải đăng bài chậm hơn báo 

Theo thống kê của Bộ TT&TT, các trang tin được cấp phép hiện chỉ chiếm chưa tới 0,66% trên tổng số hơn 1 triệu website bằng tiếng Việt. Trong số này, nhiều trang web cung cấp nội dung thông tin gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, tình trạng “báo hóa” mạng xã hội, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp đang diễn biến ngày càng phức tạp. 

{keywords}
Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử chia sẻ những điểm mới trong đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp được đề ra trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013.

Nội dung nổi bật trong Nghị định mới là quy định, nội dung dẫn lại trên trang thông tin điện tử phải đăng tải chậm hơn tối thiểu 1 giờ so với thời điểm phát hành nội dung gốc. 

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng đặt ra giới hạn phạm vi hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo đó, các trang thông tin điện tử chỉ được tổng hợp về một trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội.

Theo dự thảo Nghị định, trang tin tổng hợp chỉ tập trung đưa tin về các vấn đề liên quan đến địa phương mà mình được cấp phép, tránh việc đưa thông tin tiêu cực về các địa phương khác. 

Với sự xuất hiện của các trang liên kết, đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý công nhận về mặt pháp lý với trang tin có sự tham gia của các doanh nghiệp. 

Tuy vậy, để tránh các mô hình liên kết bị biến tướng thành báo chí tư nhân, Bộ TT&TT quy định tên miền của trang liên kết phải là tên miền thứ cấp của tờ báo điện tử hợp tác sản xuất. 

Trang liên kết cũng bị giới hạn lĩnh vực hoạt động giống như với trang thông tin điện tử tổng hợp. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải đứng tên trên giấy phép và chịu trách nhiệm về mặt nội dung.

{keywords}
Nghị định mới sẽ có nhiều quy định cụ thể về việc cấp giấy phép và hoạt động của các mạng xã hội. Ảnh: Trọng Đạt

Khuyến khích mạng xã hội trong nước phát triển

Đến hết tháng 12/2019, Việt Nam hiện có 614 mạng xã hội được cấp phép. Khoảng 90% các mạng xã hội này có số lượng thành viên chỉ ở mức vài nghìn. Quy định áp dụng chung cho các mạng xã hội lớn nhỏ dẫn đến tình trạng các start-up bị quản lý quá chặt, trong khi việc quản lý các mạng xã hội lớn lại lỏng lẻo.

Các quy định của pháp luật cũng chưa thể bao quát hết được các hành vi, dịch vụ đang được cung cấp trên nền tảng mạng xã hội như livestream, quảng cáo, thu phí và trả phí lượt xem,... 

Trước thực tế đó, trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013, nhóm soạn thảo đã tập trung sửa đổi quy định về việc cấp phép mạng xã hội

Trước đây, một mạng xã hội vừa mới ra đời, chưa có người sử dụng cũng phải xin giấy phép. Trong dự thảo quy định mới, Bộ TT&TT sẽ không yêu cầu cấp phép với toàn bộ các trang mạng, thay vào đó, đơn vị phát triển chỉ cần thông báo với Bộ TT&TT.

Chỉ mạng xã hội có từ 10.000 người sử dụng thường xuyên hoặc 1 triệu người tương tác mỗi tháng trở lên mới phải xin giấy phép. Để giám sát điều này, Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo vào các trang mạng xã hội.

{keywords}
Theo ông Lê Quang Tự Do, chỉ những mạng xã hội được cấp phép, có tư cách pháp nhân trong nước mới có thể cung cấp dịch vụ livestream và thu phí. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc quản lý theo hình thức trên sẽ tạo sẽ thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các mạng xã hội trong nước. 

Nghị định mới cũng sẽ đề ra những quy định cụ thể để xử lý tình trạng một số mạng xã hội bị báo hoá, lợi dụng giấy phép mạng xã hội để làm báo.

Với sự xuất hiện của những mạng xã hội đa dịch vụ như livestream, giáo dục, xem phim,... Nghị định mới cũng yêu cầu đơn vị phát triển phải xin cấp phép với từng dịch vụ chuyên ngành. Điều này để tránh tình trạng một số đơn vị chỉ xin cấp phép mạng xã hội nhưng sau đó lại phát triển đa dịch vụ. 

Trong trường hợp các dịch vụ chuyên ngành có yếu tố vi phạm pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước sẽ yêu cầu gỡ bỏ. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan quản lý sẽ có quyền dừng hoạt động của mạng xã hội. 

Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Tự Do, chỉ những mạng xã hội được cấp phép, có tư cách pháp nhân trong nước mới có thể cung cấp dịch vụ livestream và thu phí. 

Trọng Đạt