Ứng dụng “Make in Vietnam” giúp truy vết hơn 1.900 ca nghi nhiễm

Ngày 23/9, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng Bluezone.

{keywords}
Bộ Y tế và Bộ TT&TT vừa tổ chức sơ kết việc triển khai ứng dụng Bluezone hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Có sự tham dự của các Sở Y tế, Sở TT&TT, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) trên toàn quốc qua các điểm cầu, hội nghị nhằm đánh giá, sơ kết những kết quả đạt được thời gian qua và thảo luận, đưa ra đề xuất về hướng triển khai ứng dụng trong tình hình mới. 

Ở góc độ của ngành y tế, ông Đỗ Trường Duy, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế nhận định, ứng dụng Bluezone là một sáng kiến rất kịp thời của ngành TT&TT để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Theo đại diện Bộ Y tế, chất lượng của Bluezone và cách thức tổ chức triển khai là 2 yếu tố làm nên sự khác biệt của ứng dụng này. Trong thời gian ngắn, Bluezone đã luôn được nhóm phát triển tìm cách tối ưu, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, cách thức triển khai huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành  từ trung ương đến địa phương đã góp phần quan trọng đưa lại kết quả hiện nay.

{keywords}
Cục Tin học hóa đề xuất phát triển ứng dụng Bluezone thành công cụ trợ giúp thông tin y tế cho người dân.

Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone được Bộ Y tế và Bộ TT&TT cho ra mắt từ ngày 18/4/2020 để góp phần bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Là sản phẩm do Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) chủ trì, cùng một số doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam phát triển, Bluezone được đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai trong đợt bùng phát Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam từ ngày 25/7/2020.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương, đến ngày 22/9, tổng số lượt cài đặt Bluezone trên toàn quốc là 22,9 triệu, trong đó tổng số lượt đang hoạt động có số điện thoại là gần 18 triệu.

Đặc biệt, hệ thống truy vết bằng Bluezone đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua. Theo thống kê, từ ngày 12/8 đến ngày 5/9, từ 72 ca bệnh xác định được đưa vào tính toán, hệ thống đã phát hiện 1.920 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm để bổ sung cho danh sách truy vết truyền thống bằng biện pháp điều tra dịch tễ.

Đề xuất thiết lập mạng lưới chống dịch, tham gia phổ biến kỹ năng số

Tại hội nghị, đại diện các Sở Y tế, Sở TT&TT, CDC một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, đồng thời nêu các đề xuất, kiến nghị về định hướng phát triển Bluezone thời gian tới.

Theo các đại biểu, có ba nhóm tồn tại, hạn chế lớn, đó là: Triển khai nhiều ứng dụng, vì thế cần tích hợp các ứng dụng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, ít nhất là về mặt dữ liệu để người dân chỉ phải khai một lần trên một ứng dụng; Ứng dụng Bluezone có giao diện chưa chuyên nghiệp và còn nghèo nàn về chức năng, người dân chưa thấy lợi ích rõ nét khi cài đặt sử dụng; Các cơ sở kinh doanh, chủ quản những địa điểm công cộng chưa chủ động vào cuộc tuyên truyền, vận động và khâu giải đáp thắc mắc cho người dân chưa tốt.

{keywords}
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho rằng, cần thiết lập một mạng lưới để khi xảy ra dịch bệnh thì chống dịch, còn giai đoạn bình thường sẽ tham gia phổ biến kỹ năng số cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng đã nêu đề xuất của Cục đối với chiến lược phát triển ứng dụng, phát triển cộng đồng và duy trì tính sẵn sàng ứng phó trong thời gian tới.

Cụ thể, Cục Tin học hóa đề xuất, ứng dụng Bluezone sẽ được phát triển thành công cụ trợ giúp thông tin y tế cho người dân, tập trung vào 5 nhóm chức năng chính: Theo dõi tiếp xúc gần thông qua công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE); Cung cấp thông tin y tế chính thống từ Bộ Y tế và liên kết với các ứng dụng khai báo y tế; Cung cấp một số tiện ích giúp người dân theo dõi sức khỏe như đếm số bước chân, nhắc thuốc, nhắc lịch tiêm chủng; Cung cấp công cụ cho phép người dân phản ánh y tế đến cơ quan chức năng; Cung cấp một số tiện ích cá nhân khác.

Về phát triển cộng đồng, xác định thông điệp cốt lõi là “Vào nơi công cộng phải có Bluezone”, Cục Tin học hóa đề xuất khuyến cáo người nhập cảnh và các cá nhân, tổ chức nơi đón tiếp người nhập cảnh cải, sử dụng Bluezone. Đồng thời, cũng cần khuyến nghị mọi người khi đến các địa điểm công cộng như bệnh viện, siêu thị, bến xe… phải bật Bluezone để khi xảy ra nguy cơ có thể truy vết nhanh.

Đặc biệt, theo đề xuất của Cục Tin học hóa, để duy trì tính sẵn sàng ứng phó, với tinh thần “Ngụ binh ư nông” (thời chiến ra trận, thời bình cày ruộng), cần thiết lập một mạng lưới để khi xảy ra dịch bệnh thì chống dịch, còn giai đoạn bình thường sẽ tham gia phổ biến kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

“Chúng tôi đã đề xuất và dự kiến sẽ thành lập mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương đến cấp xã, với sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, để mỗi xã đều có đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, định kỳ diễn tập trên toàn mạng lưới”, ông Dũng cho hay.

Trên cơ sở các định hướng, một nhóm giải pháp cụ thể được Cục Tin học hóa đề xuất là tập hợp sức mạnh của cả cộng đồng CNTT vào phát triển, triển khai Bluezone; coi đây là sản phẩm công nghệ chung của cả cộng đồng, dưới sự chủ trì của Bộ Y tế và Bộ TT&TT. Chính những người làm công nghệ sẽ tham gia tuyên truyền, vận động những người còn có ý kiến khác về Bluezone.

Cục Tin học hóa cũng đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể khác như: Thực hiện tuyên truyền hướng tới đối tượng cụ thể; Phát triển hệ thống back-end và công cụ cho phép các cơ quan, tổ chức có thể kiểm tra kết quả cài đặt của cán bộ của đơn vị mình; Tổ chức vận hành, khai thác ứng dụng một cách chuyên nghiệp như một doanh nghiệp công ích; Hai Bộ Y tế, TT&TT sẽ thống nhất xây dựng kịch bản, tình huống để diễn tập định kỳ.

“Những đề xuất trên chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo 2 Bộ và dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức trong triển khai các giải pháp cụ thể”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết. 

5 bài học lớn cho giai đoạn triển khai Bluezone sắp tới:

-Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, giai đoạn bình thường hiện nay vẫn cần coi như đang có dịch để tiếp tục hoàn thiện năng lực ứng phó.

- Với những đặc thù, thế mạnh riêng có, chúng ta có quyền tin rằng Việt Nam nếu đoàn kết, vững tin có thể làm được những việc mà nhiều nước khác không làm được.

- Thiết lập mạng lưới từ trung ương đến cấp xã, với sự tham gia của các doanh nghiệp.

- Cán bộ trung ương phải trực tiếp xuống tận cơ sở là việc quan trọng, cần thiết.

- Các kênh tuyên truyền, vận động người dân cài Bluezone đạt hiệu quả cao là: Bản tin VTV lúc 19h; SMS đến từng thuê bao; Đi từng ngõ, gõ từng nhà vào các cuối tuần; Chợ phiên vùng cao; Zalo hiển thị thông tin đến từng người dùng; hệ thống Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 Vân Anh

 

Người nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế điện tử, cài đặt Bluezone

Người nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế điện tử, cài đặt Bluezone

Những người nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày sẽ được hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng truy vết (ứng dụng Bluezone - PV), theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam”.