Việc xây dựng Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm là một trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho phát triển Chính phủ điện tử (Ảnh minh họa: Tapchibaohiemxahoi.gov.vn)

Ngày 14/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 71 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm.

Cụ thể, cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm, Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong tháng 9/2020.

Trước đó, tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã xác định rõ việc xây dựng Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian vừa qua, việc đẩy mạnh triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nói chung cũng như cơ sở dữ liệu liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Hệ thống phần mềm nghiệp vụ; hệ thống các cơ sở dữ liệu quản lý nghiệp vụ chuyên ngành (CSDL Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; CSDL đơn vị tham gia và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; CSDL người hưởng hàng tháng..); Kết nối và chia sẻ CSDL với một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Các kết quả đạt được kể trên là nền tảng cho việc xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm nên hệ thống dữ liệu hiện nay của ngành bảo hiểm xã hội chưa được chuẩn hóa, mới có giá trị nội bộ trong ngành bảo hiểm xã hội mà chưa được đối chiếu, kiểm chứng đối với các lĩnh vực, ngành khác.

“Việc thiếu các quy định liên quan đến CSDL quốc gia dẫn đến hạn chế trong việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia khác và với các CSDL của bộ, ngành, địa phương”, Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng các CSDL về bảo hiểm để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân.

Đồng thời, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho hay, Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm sẽ được xây dựng trên các quan điểm: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế, Luật CNTT … và sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và chia sẻ CSDL quốc gia về Bảo hiểm; Bảo đảm an toàn cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức...

CSDL quốc gia về Bảo hiểm là 1 trong 6 CSDL được Thủ tướng Chính phủ xác định cần ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, cùng với các CSDL quốc gia khác là: CSDL quốc gia về Dân cư; CSDL Đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia Thống kê tổng hợp về Dân số.

Được biết, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục tiến hành làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành Bảo hiểm xã hội để sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về Bảo hiểm.

M.T