- Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm về tiến độ số hoá truyền hình mặt đất, tại Hội thảo triển khai Đề án Số hoá truyền hình Giai đoạn 2 tại Khu vực Đồng bằng Nam Bộ chiều 14/10.

Tổng kết Giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, cho đến thời điểm 24h’ ngày 15/8/2016, 5 thành phố trực thuộc TW đã tiến hành số hoá truyền hình, bao gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng. Riêng Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của khu vực ASEAN tiến hành số hoá truyền hình, bắt đầu từ thời điểm tháng 11/2015.

Qua khảo sát, Bộ TT&TT nhận định trong Giai đoạn 1, Khu vực Nam Bộ đã tiến hành tốt công tác thông tin tuyên truyền trong dân cư về số hoá truyền hình. Tỷ lệ người dân biết đến thông tin số hoá truyền hình mặt đất chiếm tỷ lệ từ 45% cho đến 90%, cao hơn các khu vực khác.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội thảo.


Trong Giai đoạn 1, Bộ TT&TT đã hỗ trợ 460.232 đầu thu kỹ thuật số mặt đất chuẩn DVB-T2 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 20 tỉnh và thành phố trực thuộc TW. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, vừa đảm bảo chính sách an sinh xã hội, vừa đảm bảo tiến độ xuống sóng analog.

Sau khi nghe đại biểu các tỉnh thành chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai đề án, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã có kết luận chung về tiến độ thực hiện đề án.

“Vấn đề lớn nhất là thời điểm xuống sóng. Có ý kiến muốn phát sóng số sớm, nhất là các công ty truyền dẫn phát sóng. Có đơn vị lại yêu cầu chậm một chút vì chưa thu xếp về kinh phí và định mức.

Quan điểm của Bộ là phải thực hiện đúng kết luận của Thủ tướng và Bộ TT&TT. Quyết định Thủ tướng phải là chuẩn mực, phải bám vào để thực hiện. Căn cứ theo nguyên tắc đó thì Ban chỉ đạo sẽ cân nhắc về vùng phủ sóng và tỷ lệ hỗ trợ”, Thứ trưởng Bộ TT&TT quán triệt.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ đạo, những địa phương nào đã có đầy đủ số liệu, năng lực hỗ trợ người dân đầu thu đến đâu thì sẽ xuống sóng đến đó, vừa đảm bảo được mục tiêu ủng hộ sự nỗ lực của các công ty, vừa giải phóng băng tần, đem lại hiệu quả KT-XH lớn hơn.

{keywords}

Hội thảo triển khai Đề án số hoá truyền hình Giai đoạn 2.


“Vai trò của các Sở TT&TT rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức của người dân mà còn có vai trò huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ hy vọng các Sở vào cuộc tích cực, có báo cáo thích hợp tới lãnh đạo các tỉnh, để có chỉ đạo quyết liệt hơn”, Thứ trưởng kết luận.

Theo lộ trình hiện tại của Đề án số hóa truyền hình, thời điểm tắt sóng analog của giai đoạn 2 là 31/12/2016. 26 tỉnh sẽ chuyển đổi hoàn toàn trong đợt này, gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An....

  • Việt Đông