Ngày 2/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Báo chí ở nước ta là phương tiện, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Thời gian qua, vấn đề quy hoạch báo chí nhằm phát triển và quản lý tốt hệ thống báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát.

{keywords}
Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: Trần Thường

Ngày 11/10/2006, Bộ Chính trị có thông báo kết luận số 41-TB/TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Trong đó, yêu cầu Chính phủ thực hiện việc xây dựng Quy hoạch hệ thống báo chí.

Ngày 29/10/2006, Thủ tướng có chỉ thị số 37/2006/CT-TTg về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ TTT&TT xây dựng Quy hoạch để sắp xếp lại hệ thống báo chí theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt.

Năm 2015, đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến và 4 lần Bộ Chính trị khóa 11 cho ý kiến và đã thông qua. Ban Bí thư khóa 12 cũng đã 3 lần có ý kiến về đề án.

Sau khi Bộ Chính trị khóa 11 thông qua đề án, năm 2015, Bộ TTT&TT đã tổ chức hội nghị quán triệt tới các cơ quan chủ quản báo chí để từ đó các cơ quan chủ quản xây dựng định hướng quy hoạch, phát triển cơ quan báo chí thuộc quyền.

Từ năm 2015 đến nay, trên cơ sở khảo sát, làm việc, lấy ý kiến cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch, Bộ TTT&TT đã đề xuất Chính phủ báo cáo Ban Bí thư để có phương án quy hoạch phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý báo chí trong tình hình mới.

Quan điểm quy hoạch là phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Mang lại nhiều giá trị

Mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, co vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại.

Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Giá trị mang lại của Quy hoạch:

Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo chí chí gắn với mô hình tổ chức quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in; đầu tư phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, có khả năng thu hút công chúng, giữ vai trò định hướng dư luận xã hội; hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước.

Như vậy, việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống báo chí làm cho hệ thống thông tin, tuyên truyền nước ta tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân; phát huy hơn nữa vị trí, vai trò là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.

Quy hoạch đưa ra định hướng các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được xác định, các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu.

Như vậy, quy hoạch đã định hướng cụ thể về đổi mới cơ chế tài chính, qua đó giảm việc đầu tư ngân sách dàn trải, tạo động lực để báo chí đổi mới cả về nội dung, quản trị nhân lực, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến, phương thức phát triển thị trường báo chí, đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu.

Quy hoạch cũng đã nêu rõ định hướng trong công tác quản lý cơ quan báo chí, quản lý nhà nước về báo chí. Theo đó, nhà nước thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về báo chí; xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý tốt hệ thống báo chí. 

Báo của hội nghề nghiệp thành tạp chí hoặc ngừng hoạt động

Báo của hội nghề nghiệp thành tạp chí

Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, DNNN thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản, chuyển thành tạp chí.

Trần Hải