Lời toà soạn: Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra

 


Xu thế toàn cầu

Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là một quá trình nhiều thập niên. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thế giới đang ở điểm gẫy của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ cho Việt Nam thực hiện hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là viễn thông và CNTT, để tăng năng suất lao động, và để tối ưu nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.

{keywords}
Kinh tế số sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; sử dụng viễn thông và CNTT để tăng năng suất lao động

Theo nghĩa hẹp thì kinh tế số chỉ liên quan đến lĩnh vực ICT. Theo nghĩa rộng thì là những lĩnh vực gần gũi với công nghệ số, thí dụ như các nền tảng số. Theo nghĩa rộng nhất thì là tất cả các lĩnh vực mà có sử dụng công nghệ số.

Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn. Công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách nông thôn và thành thị. Công nghệ số cũng cho chúng ta những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài của loài người, như: ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách…

Ở Việt Nam, kinh tế số xuất hiện từ khi có máy tính, đặc biệt là khi có máy tính cá nhân, vào cuối những năm 1980; bắt đầu mạnh mẽ là khi có Internet, vào cuối những năm 1990; phổ cập là khi mật độ điện thoại thông minh trên 50%, vào cuối những năm 2000; và được thúc đẩy mạnh mẽ là khi xuất hiện CMCN 4.0, vào cuối những năm 2010.

Số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách

Kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là phát triển tự phát, nhưng phát triển khá nhanh. Cách nhanh nhất đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Đơn cử, dùng camera để giảm người bảo vệ, đó chính là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng chính là kinh tế số. Dùng văn bản điện tử thay giấy tờ cũng là số hóa nền kinh tế. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.

Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.

{keywords}
Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng kinh tế

Nhiều người nói, số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, gọi là X-tech. Những X-tech này (Fintech, EdTech, AgriTech…) thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ. Nếu chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Khi ấy, cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được.

5 yếu tố nền tảng hỗ trợ phát triển kinh tế số

Cách tiếp cận chính sách theo cách truyền thống thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản như nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, hình thành qui định để quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc CMCN 4.0.

Những yếu tố mang tính nền tảng để hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam gồm:

Thứ nhất, hạ tầng viễn thông – CNTT – công nghệ số hiện đại, ngang tầm thế giới. Khi ấy băng thông rộng, tốc độ cao cộng với việc mỗi người dân có một điện thoại thông minh, sau đó là công nghệ 5G xuất hiện ở Việt Nam sẽ đưa nước ta cùng nhịp với các nước phát triển;

Thứ hai, các chính sách của Chính phủ liên quan tới kinh tế số, công nghệ số, Internet phải có tính cạnh tranh toàn cầu để người Việt Nam không phải ra nước ngoài khởi nghiệp công nghệ số mà còn đưa người nước ngoài, tài năng toàn cầu về Việt Nam phát triển công nghệ;

Thứ ba, Chính phủ chi tiêu nhiều cho sản phẩm công nghệ số, đi đầu về kinh tế số thông qua xây dựng Chính phủ điện tử, nhằm tạo ra thị trường ban đầu để phát triển doanh nghiệp công nghệ, toàn dân khởi nghiệp công nghệ số; Thứ tư là đào tạo nhân lực, song song với việc đưa đào tạo tiếng Anh và CNTT vào chương trình đào tạo bắt buộc.

Ba bước để chuyển đổi số

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước: Bước một, đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số Chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số trong xã hội, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Bước hai, sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Và cuối cùng, khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

VietNamNet

Mời các ban theo dõi toàn bộ nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 TẠI ĐÂY