Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh, một xã miền núi từng rất heo hút với 10 km đường bao quanh sườn núi cheo leo giờ đây đã phát triển nhộn nhịp với dân cư đông đúc, những con đường được bê tông hóa thuận tiện đi lại.

Đóng góp vào sự thay da đổi thịt ấy, có phần không nhỏ của Điểm bưu điện văn hóa xã Bình Khê, nơi giúp bà con nâng cao dân trí. Đó là nơi chị Phạm Thị Thuân đã làm việc từ ngày đầu thành lập và gắn bó cả tuổi thanh xuân suốt 20 năm qua.

Năm 2018, chị Thuân trở thành nhân viên có doanh thu bán hàng cao nhất trong 112 điểm bưu điện văn hóa xã của tỉnh Quảng Ninh, đạt 1,7 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng đột biến khi năm 2017, doanh thu tại đây mới đạt khoảng 900 triệu đồng và trước nữa, 2016, mới đạt khoảng 600 triệu đồng. Điểm Bưu điện văn hóa xã Bình Khê đã trở thành 1 trong những điểm hoạt động hiệu quả nhất trên toàn quốc.

Điều gì đã làm nên sự tăng trưởng bứt phá đó?

Tất cả là nhờ sự năng động, nhạy bén, tức thời, sáng tạo nỗ lực không ngừng của chị Thuân.

Năm 2015 trở về trước, điểm bưu điện văn hóa xã Bình Khê mới chỉ cung cấp những dịch vụ bưu chính truyền thống. Nhưng từ năm 2016, chị Thuân đã nhanh nhạy phát triển đa dịch vụ mà điển hình là cung cấp thêm dịch vụ giao nhận hàng và vận chuyển cho các đơn vị thương mại điện tử.

Khi đó, những đối tác lớn trên địa bàn xã như thời trang Hồng Ngọc, phụ kiện đồ biểu diễn Trâm Hương... đã sử dụng quen với dịch vụ giao nhận hàng của Tập đoàn chuyên nghiệp lớn như Viettel... Những ngày đầu tiếp cận, chị Thuân bị từ chối!

Không nản, bằng sự kiên trì bền bỉ thuyết phục rồi chứng minh chất lượng dịch vụ qua từng đơn hàng nhỏ, chị Thuận đã dần lấy được lòng tin, chiếm lĩnh cảm tình của khách.

4 tháng sau, những khách hàng lớn trên địa bàn đã đồng loạt chuyển sang sử dụng dịch vụ giao nhận của Điểm bưu điện văn hóa xã Bình Khê, giúp doanh thu tăng tốc ấn tượng.

Sự tận tâm, tận tụy, chân thành của chị Thuân đã được đền bù xứng đáng.

Sự thành công đó đã giúp chị tự tin, tiếp tục phát triển dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện- một mô hình hợp tác giữa ngành bưu điện và ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam. Giờ đây, mỗi 1 tháng, chị đạt doanh số tới 200 thẻ. Một con số không nhỏ khi bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nhiều người dân ở thôn xã miền núi vẫn còn mới mẻ.

Thức dậy vào 6 giờ sáng, rời điểm bưu điện văn hóa xã vào 20h tối, mỗi ngày làm việc của chị Thuận là một ngày tràn đầy niềm hứng khởi. Bởi, chị luôn tin rằng, có công mài sắt, có ngày nên kim.

Từ một cô nữ sinh học trung cấp nghề nhưng luôn cầu tiến và trau dồi kiến thức thực tiễn, chị Thuân đã trở thành nhân viên xuất sắc đáng nể của ngành bưu điện Việt Nam.

Video: Phạm Huyền- Hằng Minh