Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ TT&TT trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - PV) được tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội.

Ký kết quy chế phối hợp trong quản lý thí điểm dịch vụ Mobile Money
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn ký kết quy chế phối hợp trong quản lý thí điểm dịch vụ Mobile Money. (Ảnh: sbv.gov.vn)

Việc 3 cơ quan phối hợp xây dựng và thống nhất ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là một bước để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm dịch vụ này tại Quyết định 316 ban hành ngày 9/3/2021.

Theo Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, phát biểu tại lễ ký, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian rất ngắn, chưa đầy 1 tháng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ TT&TT cùng sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị đầu mối là Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an và Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, đến nay dự thảo Quy chế phối hợp đã cơ bản được các bên thống nhất.

Mobile Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ TT&TT trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định 316 ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thí điểm dịch vụ Mobile Money quy định cụ thể về nguyên tắc, phương thức và các nội dung phối hợp, phân công giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ TT&TT.

Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money hướng tới mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Quyết định cũng quy định rõ, thời gian thí điểm là 2 năm kể từ khi doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Việc thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó phải ưu tiên triển khai tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân.

Việc thí điểm dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

Kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money chính là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.

M.T

Mobile Money: Yếu tố đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết số 52

Mobile Money: Yếu tố đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết số 52

Việc thí điểm dịch vụ Mobile Money chính là cách tiếp cận mở, sáng tạo, thể hiện sự đổi mới về tư duy quản lý kinh tế, xã hội theo đúng như tinh thần của Nghị quyết 52 được Bộ Chính trị đề ra.