Thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh việc đăng ký mở thêm một số ngành đào tạo mới trong năm học 2016-2017, Học viện Công nghệ BCVT (PTIT) cũng sẽ có phương án, lộ trình điều chỉnh học phí cho phù hợp với thực tế.

Cụ thể, theo ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện thì tới đây Học viện sẽ mở thêm các ngành mới như Bưu chính, Logistics (Hậu cần), Phát thanh - Truyền hình.

{keywords}
Học viện sẽ mở thêm nhiều ngành đào tạo mới như bưu chính, PTTH...

Được phê duyệt ngày 4/2, Đề án thí điểm đổi mới cơ chế cho PTIT nhắm tới mục tiêu xây dựng Học viện theo mô hình các trường đại học hiện đại trên thế giới, vận hành như một doanh nghiệp tư nhân, tự chủ về tài chính, khai thác, tận dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, Học viện vẫn có những chính sách để bảo đảm cho các sinh viên nghèo, khó khăn có cơ hội học tập.

Trong ngắn hạn, bên cạnh các công tác về tổ chức bộ máy, tài chính đầu tư, Học viện sẽ đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh năm 2016, duy trì quy mô tuyển sinh, đào tạo ở mức  15.000 - 17.000 sinh viên; Việc điều chỉnh học phí sẽ phải phù hợp theo Quyết định 222 cũng như điều kiện thực tế của trường và sẽ được kịp thời phổ biến, tuyên truyền, giải thích với học viên, với xã hội. Dự kiến học phí học kỳ 2 năm học 2015 - 2016 sẽ tăng thêm 7% và học phí năm học 2016 - 2017 sẽ tăng khoảng 12%.

Nguồn tài chính thu được sẽ ưu tiên tăng cường cho cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, xây dựng chương trình, bài giảng, giáo trình, thư viện..... theo kế hoạch cụ thể để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong chất lượng đào tạo ngay từ đầu năm 2016, ông Lâm khẳng định.

Đồng thời, Học viện sẽ đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo học viên, sinh viên các lớp chất lượng cao, liên kết quốc tế, dịch vụ khoa học công nghệ... phấn đấu đưa tỷ trọng doanh thu đào tạo từ khối này tăng từ mức 1-2% trong năm 2015 lên 5-10% doanh thu đào tạo trong năm 2016, 2017.

Năm ngoái, Học viện cũng đã mở thêm một chuyên ngành đào tạo mới là Truyền thông đa phương tiện, nâng tổng số ngành đào tạo đại học lên con số 9 là Kỹ thuật điện tử-truyền thông; Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử; CNTT; An toàn thông tin; Công nghệ đa phương tiện; Quản trị kinh doanh; Marketing và Kế toán. 

Tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 2/2016 của Bộ TT&TT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã yêu cầu Học viện cần tích cực triển khai sớm Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động vì đây là một cơ hội, một vận hội lớn để Học viện phát triển, nâng tầm vị thế. 

T.C