Theo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều hoạt động sẽ được hỗ trợ để thúc đẩy các DN với nguồn lực hạn chế phát triển, thương mại hóa những sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo, dự thảo nêu rõ, các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ gồm: sản xuất sản phẩm CNTT bao gồm phần cứng, phần mềm, dịch vụ phần mềm, nội dung số; khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc nguyên liệu làm thuốc, vaccine, thuốc từ dược liệu, thuốc đông y; các loại thuốc mới sản xuất từ kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học; công nghệ cao;

{keywords}
Các DNVVN được Chính phủ hỗ trợ đổi mới, sáng tạo

Ngoài ra còn có sản xuất vật liệu mới, vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp; nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học; sản phẩm bảo vệ cây trồng thân thiện với môi trường; thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, nước thải...

Các DNVVN đủ điều kiện nhận được hỗ trợ của chương trình sẽ được hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Cụ thể, hỗ trợ tối đa 50% chi phí thực hiện nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất thử nghiệm (không bao gồm chi phí thuê chuyên gia); Hỗ trợ tối đa 70% chi phí nghiên cứu công nghệ cao, sản xuất thử nghiệm sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm (không bao gồm chi phí thuê chuyên gia); Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê chuyên gia trong nước thiết kế, thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm.

Ngoài ra, họ cũng được hỗ trợ tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện và làm chủ công nghệ: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí đào tạo trong nước cho nguồn nhân lực tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện và làm chủ công nghệ; Hỗ trợ tối đa 50% chi phí hợp đồng thuê chuyên gia nước ngoài nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ...

Công đoạn kết nối cung cầu công nghệ và đưa sản phẩm thử nghiệm ra thị trường cũng được hỗ trợ từ phía Chính phủ dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như hỗ trợ tối đa 100% phí tham giao hội chợ triển lãm quốc gia về công nghệ hàng năm; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi bán sản phẩm trong giai đoạn thử nghiệm và 2 năm kể từ ngày phát sinh doanh thu bán sản phẩm thương mại; Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng và đạt được các tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm; Hỗ trợ tối đa 100% chi phí kiểm tra tiêu chuẩn môi trường cho sản phẩm.

T.C