-Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh nhiều lần ý nghĩa "sống còn" của việc tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia thị trường, kinh doanh bền vững.

Chia sẻ tại cuộc làm việc với Cục Viễn thông chiều nay, 11/5, người đứng đầu ngành TT&TT liên tục lưu ý các đơn vị quản lý về việc xây dựng cơ chế, chính sách phải "giúp ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp, cho người dân".

 

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cục Viễn thông chiều 11/5.

"Một thị trường phát nóng, mạnh như viễn thông thì rất cần rà soát, sửa đổi, bổ sung liên tục các thể chế, chính sách để phù hợp với những xu hướng mới như hội tụ viễn thông, Internet, truyền hình, CNTT", ông nêu yêu cầu, không quên nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc phải giảm tối đa các rào cản gia nhập thị trường để mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội bình đăng tham gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ngành phát triển tốt, nhưng đồng thời cũng cần có những ràng buộc, khuôn khổ để doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.

Nói về yếu tố "thủ tục", Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan hoạch định chính sách của ngành TT&TT không được gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt phương thức tiền kiểm, tập trung phương thức hậu kiểm trong quản lý để doanh nghiệp chủ động, tự chịu trách nhiệm về hoạt động SXKD của mình. Ông cho rằng, cần áp dụng tư duy thị trường vào trong quản lý, chống độc quyền, đảm bảo mỗi thị trường dịch vụ có từ 3-4 doanh nghiệp mạnh, thương hiệu lớn để tăng sức cạnh tranh, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp với người dùng.

"Cục Viễn thông cần tham khảo, ứng dụng các mô hình quản lý thực tiễn của các nước tiên tiến, có tính tới những yếu tố đặc thù của VN để tạo lập, vận hành một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thông qua những công cụ quản lý kết nối, quản lý giá cước, chất lượng, quản lý tài nguyên viễn thông... phân định rõ hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích", Bộ trưởng nêu rõ. Nhưng đồng thời, ông cũng nêu ra những đề bài rất cụ thể cho các doanh nghiệp viễn thông: Đó là cần phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên quốc gia, cơ sở hạ tầng sẵn có, không chạy theo tăng trưởng nóng, ưu tiên phát triển thuê bao gắn bó lâu dài với mình thông qua các chính sách giá cước hợp lý, tăng cường quản lý chất lượng mạng lưới...

Đẩy mạnh đầu tư nước ngoài

Vị Tổng tư lệnh ngành yêu cầu các đơn vị chức năng tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

'Cần coi đây là yếu tố then chốt, quyết định đến việc hình thành các Tập đoàn mạnh của Việt Nam trong tương lai, đóng góp ngày càng nhiều trong tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt. Chỉ có vươn ra bên ngoài thì mới mong đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về CNTT quy mô khu vực", ông nêu rõ.

Nhưng một thị trường tầm cỡ khu vực không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp mạnh, đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài mà bản thân quyền lợi của người dùng cũng cần phải được đảm bảo bằng những hệ thống giám sát, công cụ hiện đại, tương đương với các nước, Bộ trưởng lật lại vấn đề. Đó là lý do vì sao mà ông yêu cầu Cục Viễn thông, thông qua những chính sách của mình, phải tăng cường bảo vệ quyền lợi người dân, giám sát chặt hoạt động ghi cước, tính cước, khuyến mại của doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng dịch vụ, bí mật thông tin người sử dụng. Và tất nhiên, một môi trường kinh doanh quốc tế cũng đòi hỏi sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, nơi những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh cần phải bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh.

Hiện tại, thị trường viễn thông VN đang chứng kiến sự tái cơ cấu mạnh mẽ của hai doanh nghiệp lớn là VNPT và MobiFone. Khẳng định nhiệm vụ tái cơ cấu DN cần được gắn liền với việc tổ chức lại thị trường viễn thông, Bộ trưởng cho rằng, chỉ có như vậy mới áp dụng được chế độ quản trị tiên tiến, minh bạch thông tin về tài chính doanh nghiệp, đầu tư, phát triển các sản phẩm, dịch vụ TT&TT Việt Nam với hàm lượng sáng tạo cao, từng bước "thay thế dần sản phẩm nước ngoài".

Việc cổ phần hóa MobiFone nói riêng và các DNNN nói chung cần được tiến hành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, các quy trình, quy phạm nhằm thu hút đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, các đối tác chiến lược, các tập đoàn lớn có điều kiện về vốn, năng lực công nghệ cao, kinh nghiệm quản trị hiện đại, thương hiệu mạnh trên quốc tế...

Trọng Cầm