Chiều 10/9, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã đồng chủ trì buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ TT&TT với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp.

{keywords}
Buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ TT&TT với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp tại điểm cầu trụ sở Bộ TT&TT, 18 Nguyễn Du, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt.

Trăn trở “nỗi đau” tụt hậu

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp bày tỏ nỗi trăn trở lâu nay TT&TT thường bị xem là ngành tiêu tốn kinh phí, chưa thành ngành kinh tế đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh. “Nỗi đau” của tỉnh là chưa phát triển như các địa phương khác, lo bị tụt hậu trong sự phát triển chung của đất nước.

{keywords}
Buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ TT&TT với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp tại điểm cầu Đồng Tháp. Ảnh: Trọng Đạt.

Bí thư Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận, “tỉnh Đồng Tháp phải dấn thân nhiều hơn nữa, các sở, ngành nếu không có suy nghĩ mới, không kiên trì, không có niềm tin thì dù đổ ra 100 – 200 tỷ đồng cũng không làm được chuyển đổi số”.

Ông Hoan yêu cầu lãnh đạo của mỗi ngành ở Đồng Tháp phải đặt câu hỏi xem ngành mình tiếp cận chuyển đổi số thế nào; trong Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT của tỉnh phải có đại diện của doanh nghiệp để cùng hoạch định chiến lược phát triển cho địa phương; Sở TT&TT cần tham mưu tỉnh tạm thời xây dựng bộ tiêu chí để lượng hóa giá trị của công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong vận hành chính quyền, vận hành xã hội, vận hành nền kinh tế…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cũng mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, kinh tế số; Hỗ trợ đào tạo nhân lực CNTT-TT; Nghiên cứu hỗ trợ xây dựng khu công nghệ cao nhằm tạo động lực và hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}

Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với Bộ TT&TT. Ảnh: Thường Nhân.

Bứt phá trong chuyển đổi số

Bộ TT&TT xác định sự bứt phá mạnh mẽ trong chuyển đổi số sẽ là cách thức nhanh nhất để tỉnh Đồng Tháp giải được “nỗi đau” tụt hậu.

Một số bài học kinh nghiệm, mô hình thành công đã được Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Huy Dũng chia sẻ. Chẳng hạn, thành phố Đại Liên (Trung Quốc) vốn là thành phố công nghiệp cũ, khi làn sóng công nghệ thay đổi đã trở thành một thành phố nghèo. Sau khi lãnh đạo thành phố quyết định phát triển lực lượng doanh nghiệp làm phần mềm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng tới 40 – 50 lần, thu nhập người dân tăng 30 lần.

Một ví dụ khác là một tỉnh ở sa mạc Mehico, nhờ ứng dụng CNTT đã trở thành điểm thu hút khách du lịch, giúp người dân cải thiện đời sống.

Tại Việt Nam, xã Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn) đang được coi là mô hình điểm về triển khai xã thông minh. Trước kia, thu nhập của hơn 200 xã viên trong một hợp tác xã ở Vi Hương chỉ ở mức 1-2 triệu đồng/người/tháng, chỉ sau khoảng 6 tháng triển khai khi chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn giao dịch, đã tăng lên trung bình 4,5 – 5,5 triệu/tháng.

Với tâm thế sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ địa phương, các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã chỉ rõ những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tại Đồng Tháp.

Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính khuyến nghị Đồng Tháp thúc đẩy thương mại điện tử tại nông thôn, tranh thủ lợi thế sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp bưu chính lớn để đưa sản phẩm, đặc sản của Đồng Tháp tới khách hàng trong nước và quốc tế.

Với lĩnh vực viễn thông, Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường đề xuất Đồng Tháp nên lập kế hoạch phát triển hạ tầng số; Tăng tỷ lệ dùng chung hạ tầng lên 15% (hiện mới chỉ đạt 9,3%); Tăng tỷ lệ băng rộng cố định; Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông giới thiệu, hỗ trợ smartphone “made in Vietnam” thông qua các hội quán, làng thông minh…

{keywords}
 Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại buổi làm việc trực tuyến về các bài học kinh nghiệm, mô hình thành công trong chuyển đổi số. Ảnh: Trọng Đạt.

Về phát triển chính quyền số, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng lưu ý, tỉnh Đồng Tháp phải sớm hoàn thành kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 2.0 của tỉnh; Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển chính quyền số của tỉnh; Tăng cường phát sinh giao dịch sau khi đã kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); Chọn 1 xã để triển khai thí điểm mô hình xã thông minh..

Về an toàn an ninh thông tin, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc đề xuất mức chi cho an toàn an ninh thông tin vẫn đang ở mức thấp, cần phải đạt tối thiểu 10% tổng chi cho CNTT. Tỉnh cần cải thiện tỷ lệ này, đồng thời có kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin tại địa phương.

{keywords}
 Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc đề xuất tỉnh Đồng Tháp ưu tiên hơn cho lĩnh vực an toàn thông tin. Ảnh: Trọng Đạt.

Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Nguyễn Thiện Nghĩa đề xuất tỉnh Đồng Tháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thông qua việc kết nối với các nền tảng du lịch “Make in Vietnam”; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các hệ thống truy xuất nguồn gốc ứng dụng blockchain hoặc ứng dụng nhật ký điện tử để quản lý vùng trồng, vật tư…

Trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đề nghị Đồng Tháp sớm xuất bản phiên bản điện tử của Báo Đồng Tháp; Đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở, thay thế các trạm truyền thanh công nghệ cũ thành công nghệ số…

Tổng Biên tập Báo VietnamNet Phạm Anh Tuấn gợi ý tỉnh Đồng Tháp nên chọn một số cơ quan báo chí chủ lực để cung cấp nguồn tin cho báo chí nhằm tăng cường hình ảnh, thông tin về Đồng Tháp trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tinh thần dám xung phong thí điểm

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ những việc cần làm để Đồng Tháp sớm chuyển đổi số thành công.

Trước hết, Tỉnh ủy cần có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, UBND tỉnh cần có chiến lược về chuyển đổi số, bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Trong đó đặc biệt chú ý khuyến khích thí điểm chính sách mới, việc làm mới.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mạnh Hưng.

Một cách mới có thể đẩy nhanh chuyển đổi số là xung phong làm trước. Chẳng hạn, để chuyển đổi số giáo dục, tỉnh Đồng Tháp có thể đề xuất Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai cơ chế thí điểm thiết kế chương trình 20% học trực tuyến đối với các trường phổ thông và đại học trên địa bàn; xây dựng nền tảng dạy học để nâng cao chất lượng giáo viên. Việc xây dựng nền tảng có thể tốn một chút kinh phí, nhưng nếu Đồng Tháp xung phong đi đầu thí điểm thì Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp cam kết miễn phí.

Về nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi, trong 3 năm gần đây, Đồng Tháp luôn duy trì ổn định mức chi trên 100 tỷ đồng/năm, tương đương hơn 1% tổng ngân sách cho ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, nếu muốn đột phá, sánh vai với khu vực, thế giới về chuyển đổi số thì nên dành 2% để làm vốn mồi (nhiều khi nhà nước chi 1 đồng thì cộng đồng xã hội sẽ chi tới 20–30 đồng, thậm chí 100 đồng cho ứng dụng CNTT, tạo sự thay đổi đột phá).

CNTT là lĩnh vực đã được thị trường hóa. Chính quyền chỉ cần lập kế hoạch, sau đó giao doanh nghiệp làm thì sẽ có hạ tầng rất tốt. Thực tiễn nhiều dự án chỉ cần dùng khoảng 5% kinh phí từ nguồn ngân sách, còn lại 95% do doanh nghiệp đầu tư.

Một điểm quan trọng của lĩnh vực ứng dụng CNTT là phải người giỏi mới làm được, người trung bình không làm được. Các cơ quan nhà nước rất khó lấy người làm chuyên môn giỏi, khi các doanh nghiệp sẵn sàng chi tới hàng trăm triệu đồng trả lương cho các nhân tài. Vì thế, cách tốt nhất là cơ quan nhà nước thuê doanh nghiệp làm, sẽ tận dụng được lực lượng người giỏi của doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề nhân lực, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số là những người đứng đầu như Bí thư, Chủ tịch tỉnh và các lãnh đạo phải dùng công nghệ số trong công việc hàng ngày. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp cần sớm kiện toàn ban giám đốc, trong đó, hạt nhân giám đốc sở phải là người giỏi. Muốn có lãnh đạo sở giỏi, tỉnh cần giao thêm nhiều việc khó cho sở.

Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT sẵn sàng cử cán bộ, chuyên gia về Đồng Tháp để cùng tìm cách giải các bài toán của địa phương, và cũng sẵn sàng nhận cán bộ của tỉnh Đồng Tháp về đơn vị làm việc trong thời gian ngắn để cùng chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm cần thiết trong quá trình chuyển đổi số. 

Trong khuôn khổ buổi làm việc trực tuyến đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với Bộ TT&TT về hợp tác phát triển TT&TT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã đại diện Bộ và tỉnh thực hiện việc ký kết. 

 VietNamNet