Ngày 8/12, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi tọa đàm “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật".  Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Bộ Tư pháp cùng các chuyên gia, diễn giả và đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan. Tọa đàm này là minh chứng cho quyết tâm của chính phủ trong công tác đổi mới việc phổ biến giáo dục pháp luật. 

Tạo nền tảng giúp đóng góp, xây dựng văn bản pháp luật

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên trong tổ chức thi hành pháp luật. Việc phổ biến giáo dục pháp luật giờ đây không chỉ dừng lại ở hoạt động thông tin đơn thuần đến người dân. Yêu cầu của Trung ương là công tác phổ biến giáo dục phải làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân. 

Để chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, ngoài sự quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có sự đồng thuận và vào cuộc của mọi chủ thể trong xã hội.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: Trọng Đạt

Chuyển đổi số công tác phổ biến giáo dục pháp luật đặt ra yêu cầu về việc xây dựng cơ sở dữ liệu phổ biến giáo dục pháp luật dùng chung, được số hóa. 

Với chủ trương mỗi người dân một chiếc smartphone, cần thông qua các thiết bị di động để đưa kiến thức pháp luật tới từng người dân. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. 

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, công nghệ số cho phép chúng ta hiện diện bất cứ khi nào người dùng cần, hiểu được cái người dùng muốn và đưa được nội dung mang tính cá thể hoá đến từng người dùng. 

Công nghệ số thấu hiểu đến từng người, từng cá thể và cho phép chúng ta đáp ứng nhu cầu của từng cá thể tốt hơn. Nguyên lý này có thể vận vào kinh doanh, hành chính và cả công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề xuất việc tạo nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Trọng Đạt

Để chuyển đổi số công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất xây dựng một số nền tảng công nghệ số, cho phép người dân, doanh nghiệp cùng tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

“Thay vì để người dân tự tìm kiếm, tìm hiểu, chúng ta có thể đẩy những thông tin theo nhu cầu của người dân vào điện thoại một cách chọn lọc vào đúng thời điểm mà người dùng cần.”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói. 

Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, không nên tuyệt đối hóa việc chuyển đổi số bằng công nghệ, thay vào đó công tác tuyên truyền vẫn cần đến sự kết hợp giữa cả công nghệ số và phương thức truyền thống. 


Phổ biến giáo dục pháp luật bằng ứng dụng trên smartphone

Ở thời điểm hiện tại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là một trong những đơn vị triển khai tốt nhất việc chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Trên website của đơn vị này hiện có hai chuyên mục là “Pháp luật” và “Hỏi đáp chính sách”. Đây là nơi giúp giải đáp thông tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về nhiều vấn đề, tình huống cụ thể. 

Bên cạnh đó, website của Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc VCCI cũng đang thực hiện việc đăng tải các quy định pháp luật về xuất xứ, giải đáp thắc mắc liên quan đến xuất xứ và chứng nhận xuất xứ.

{keywords}
Đại diện VCCI chia sẻ những hoạt động chuyển đổi số của đơn vị mình trong việc phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: Trọng Đạt

Hiện một số cơ quan, đơn vị đã chủ động chuyển đổi số việc phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực của mình thông qua hình thức hỏi đáp trên website, tuy nhiên như vậy rõ ràng là chưa đủ. 

Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), ngoài việc phát triển nền tảng giúp đóng góp, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để chuyển đổi số trong lĩnh vực này, nên có thêm các nền tảng tư vấn, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa. Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật. 

Hiện nay, ước tính mỗi người dùng Việt Nam cài đặt trung bình 33 ứng dụng trên một chiếc smartphone. Do vậy, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) gợi ý các cơ quan chức năng nên xây dựng ứng dụng phổ biến giáo dục pháp luật trên smartphone. 

{keywords}
Tọa đàm “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Ảnh: Trọng Đạt

Trong đó, cần lưu ý đến việc phát triển một ứng dụng với giao diện bắt mắt, thân thiện với người dùng. Nội dung của app cần được xây dựng theo hướng bài giảng microlearning với độ dài từ 1 - 5 phút.  Các nội dung này nên được thể hiện dưới dạng video một cách cuốn hút, lôi cuốn và dễ tương thích với các thiết bị di động. 

Đồng quan điểm về việc nên phát triển ứng dụng phổ biến giáo dục pháp luật trên smartphone, đại diện MobiFone cho rằng, khi làm điều này, đội ngũ phát triển cần sớm có chiến lược về nội dung, độc giả,... 

Theo đó, nội dung trên ứng dụng không chỉ liên quan tới thông tin pháp luật mà nên bổ sung thêm những nội dung khác đem lại lợi ích cho người dùng, từ đó tạo ra một hệ sinh thái toàn diện. 

Đội ngũ phát triển app cũng nên xác định rõ đối tượng sử dụng của mình là cán bộ, nhân dân,... theo từng đặc điểm, hành vi cụ thể để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật. 

Trọng Đạt