Đề nghị hỗ trợ miễn cước khai báo, duy trì tên định danh và cước tin nhắn gửi từ tên định danh “TIEMCHUNG” được Cục Viễn thông, Bộ TT&TT gửi đến 7 nhà mạng VNPT/VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, I-Telecom, Reddi vào ngày 26/7.

Trước đó, vào ngày 23/7, thực hiện chỉ đạo tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả trên toàn quốc của Chính phủ tại Nghị quyết 78 phiên họp chuyên đề phòng chống dịch Covid-19, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động khai báo tên định danh “TIEMCHUNG”.

Việc này nhằm phục vụ hoạt động nhắn tin đến thuê bao di động đăng ký tiêm chủng vắc xin qua Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 tại ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn, bao gồm: thông báo mã số OTP, thông báo lịch tiêm chủng và thông tin hướng dẫn theo dõi tình hình sức khỏe sau tiêm.

Việc các nhà mạng hỗ trợ triển khai tin nhắn gửi từ tên định danh “TIEMCHUNG” phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc sẽ tạo thuận lợi cho người dân nhận được mã OTP trong quá trình sử dụng “Sổ Sức khỏe điện tử” khi thực hiện đăng ký tiêm chủng, nhận tin nhắn thông báo lịch mời tiêm và nhận tin nhắn lưu ý theo dõi các phản ứng sau tiêm.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc đã được phát động vào ngày 10/7, với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Các đơn vị, địa phương được yêu cầu sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Đề nghị nhà mạng miễn cước tin nhắn phục vụ vận hành nền tảng quản lý tiêm chủng
Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" là 1 trong 4 hệ thống thành phần của Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được Bộ TT&TT và Bộ Y tế chỉ đạo Viettel xây dựng, đã vận hành chính thức từ ngày 10/7. Nền tảng gồm 4 hệ thống chính: ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Là công cụ hỗ trợ người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 một cách chủ động và thuận tiện, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đang được triển khai tại TP.HCM và một số tỉnh thành. Nền tảng này sẽ tiếp tục được triển khai trên toàn quốc trong thời gian tới.

Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng tới tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng vắc xin người dân đều có thể thao tác qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn

Với ngành Y tế, nền tảng đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành - logistic … để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.

Theo số liệu thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 18h ngày 27/7, số lượt đăng ký tiêm chủng là 3.975.986 và đã hoàn thành tổng số 4.807.674 mũi tiêm.

Vân Anh

Ba nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc

Ba nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc

Bộ TT&TT vừa đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19.