Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, một trong những điểm yếu nhất của hệ thống quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay là chưa công nhận sự hiện diện của Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và nhà đầu tư thiên thần một cách chính danh.

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt nam - Bài học thực tiễn từ Israel" ngày 21/9, ông Đông thừa nhận đây là một trong vướng mắc lớn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, bởi VC và nhà đầu tư thiên thần được coi là 2 dòng vốn quan trọng nhất để khởi nghiệp. Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xem xét công nhận sự hiện diện của VC và nhà đầu tư thiên thần trong các văn bản luật như Luật Chứng khoán hoặc Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), ông Đông cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ cân nhắc đưa nội dung này vào Luật Hỗ trợ DNVVN.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ngoài cùng bên trái) và lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa UBND TP.Hà Nội với Quỹ VIISA để phát triển vườn ươm. Ảnh: V.A

"Quỹ VC nhắm tới những startup mới là ý tưởng, chưa IPO. Do đó, đưa vào Luật Hỗ trợ DNVVN sẽ phù hợp hơn. Quan điểm chung sẽ là quản lý các Quỹ VC và nhà đầu tư mạo hiểm theo hướng tối thiểu nhất nhất có thể, đơn giản nhất, miễn là họ chứng minh được dòng tiền rót vào là cho các startup", ông Đông nêu rõ. Đây cũng chính là kinh nghiệm mà thung lũng Silicon (Mỹ) đang áp dụng.

Trước đó, ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc Nghiệp vụ mảng Đầu tư Công ty Tư nhân của Dragon Capital nhận xét hầu hết các quỹ lớn, lâu đời tại Việt Nam đều là quỹ nước ngoài và chưa có sự hiện diện chắc chắn ở VN. Các hoạt động, dự án đầu tư của họ "mang tính du kích", không tập trung vào một quốc gia cụ thể mà luân chuyển trọng tâm đầu tư hàng năm trong cả một khu vực.

"Việt Nam đang mất thị phần vốn đầu tư vào một số quốc gia láng giềng như Singapore, Thái Lan, Philippines do thiếu cơ chế, chính sách bảo vệ nhà đầu tư cũng như khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, những việc mà Chính phủ Việt Nam cần làm sớm là hoàn thiện cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, giúp cho họ đầu tư "chính danh" để tăng mức độ cam kết gắn bó với thị trường, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, ông Hiếu khuyến nghị.

Đồng tình, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & doanh nghiệp (Bộ Khoa học & Công nghệ) thừa nhận hiện có hơn 20 quỹ VC, nhà đầu tư thiên thần ngoại đã đến Việt Nam, nhưng hầu hết chỉ mở văn phòng đại diện chứ không thành lập quỹ. Họ cũng không đầu tư từ giai đoạn đầu hay rót tiền cho những dự án nhỏ, mà chỉ nhắm tới những dự án có quy mô từ vài trăm ngàn USD trở lên, nên số lượng startup Việt "lọt vào mắt" các quỹ này rất ít, chỉ trên dưới 10 công ty.

Các Bộ, ngành nhập cuộc

Đối với ý tưởng nên hay không thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ, ông Đông cho biết, đây là một ý tưởng đột phá, song Quỹ này nếu muốn hoạt động được thì phải chấp nhận rủi ro vì bản chất khởi nghiệp là rủi ro cao. Một hướng khả thi là đề xuất chỉ có tối đa 30% vốn trong Quỹ đầu tư mạo hiểm này là của Nhà nước, 70% còn lại huy động từ khối tư nhân.

Chia sẻ về giải pháp của Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết hiện Hà Nội đã có Quỹ phát triển KH&CN. Sắp tới, Thành phố sẽ xem xét lập Quỹ đầu tư mạo hiểm riêng, trong đó một phần là vốn của Thành phố, một phần huy động từ khối tư nhân. Song song với đó, Hà Nội có thể thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ khởi nghiệp thành phố, Quỹ đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư rủi ro... Hà Nội cũng có thể cân nhắc việc thiết lập, kết nối với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á... để vừa tài trợ, vừa làm chính sách khởi nghiệp...

Hiện Hà Nội đang đề xuất với Chính phủ để thí điểm hàng loạt cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp với mục tiêu trở thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia - dự định sẽ xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố, nghiên cứu Đề án xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh triển khai Thành phố thông minh, Chính phủ điện tử...

Tuy nhiên hiệu quả của các vườn ươm khởi nghiệp là vấn đề gây nhiều băn khoăn. Ông Phạm Hồng Quất là người đầu tiên "lên tiếng" khi cho biết, hiện Việt Nam có 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. "Tuy nhiên nhiều cơ sở chỉ có vườn mà không có uơm, ươm nhưng lại không tạo".

Trước lo ngại này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, vai trò của nhà nước là kiến tạo các khu làm việc tập trung, nơi mà nhà đầu tư có thể thí điểm các ý tưởng của mình. Chẳng hạn như Hà Nội đang có một khu dành riêng cho cộng đồng startup tại số 1 Lương Yên do ông Nam Đỗ, một trong những "thủ lĩnh" của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vận hành. "Các địa phương nên tạo điều kiện, còn cách làm cụ thể cứ để khu vực tư nhân tự làm sẽ đạt hiệu quả cao nhất", ông Tùng nêu quan điểm. 

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, tới đây, Bộ sẽ triển khai chương trình phát triển băng thông rộng quốc gia đến năm 2020, có khả năng cung cấp đa dịch vụ với giá hợp lý, tạo hạ tầng thuận lợi cho khởi nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp TT&TT đã có thể tiếp cận thị trường khá thuận lợi. Hầu hết ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực này đều không có điều kiện. Các cam kết quốc tế của ngành cũng rất thông thoáng, cởi mở...

T.C