-Tiếp thu bài học kinh nghiệm quản lý các nước và tư vấn của các chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhất trí với quan điểm chính sách quản lý 4G cần tăng cường ràng buộc trách nhiệm của nhà mạng để đảm bảo quyền lợi cho người dùng cuối.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm (đầu tiên bên trái) tại buổi làm việc với TGĐ Ericsson Việt Nam Jan Wassenius (thứ 2 từ phải sang).

Chiều nay, 18/7, Thứ trưởng Phan Tâm đã có cuộc làm việc với TGĐ Ericsson Việt Nam và Myanmar Jan Wassenius.

Việt Nam đang chuẩn bị cấp phép 4G chính thức cho các nhà mạng trong nước, với thời điểm dự kiến mới nhất có thể rơi vào cuối quý 3/2016. Việc hoàn thiện chính sách, quy định cấp phép 4G, vì thế, đang bước vào giai đoạn nước rút.

Để đảm bảo cho việc cấp phép 4G diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đồng thời đảm bảo cho thị trường viễn thông cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh sau khi cấp phép, Bộ TT&TT đã rất tích cực tham vấn kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển, cũng như đề xuất, tư vấn của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông đa quốc gia lớn. Cuộc trao đổi với đoàn chuyên gia đến từ Ericsson (Thụy Điển) chiều nay cũng nằm trong chuỗi hoạt động tham vấn này.

Tại cuộc gặp, ông Jan Wassenius đã chia sẻ với Thứ trưởng Phan Tâm cùng đại diện các Cục Viễn thông, Cục Tần số, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ TT&TT) nhiều vấn đề mang ý nghĩa then chốt khi triển khai cấp phép 4G cho các doanh nghiệp viễn thông. Đại diện Ericsson cho biết quy định thay đổi tùy theo tình hình cụ thể của từng nước, nhưng nhìn chung, quan điểm của các nước châu Âu về việc tạo lập một thị trường viễn thông bình đẳng là tương đối giống nhau. Đặc biệt, mỗi nước khi cấp phép đều cố gắng bổ sung thêm một số quy định, ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp để tăng hiệu lực cho quản lý nhà nước.

Khi cấp phép, thường thì cơ quan quản lý sẽ quan tâm đến hiệu quả của đầu tư hạ tầng. Theo đó, mạng 4G LTE được đánh giá là hiệu quả về mặt chi phí hơn so với 3G, song mô hình khai thác tối ưu nhất tại thời điểm hiện nay vẫn là kết hợp cả 3G và 4G. Dù vậy, ông Wassenius nhấn mạnh rằng, lựa chọn phương án triển khai 4G cụ thể như thế nào là việc mà các doanh nghiệp cần tự quyết định dựa trên tình hình mạng lưới thực tế và tính toán bài toán kinh doanh của mình sao cho có hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tham khảo yêu cầu về vùng phủ khi cấp phép, chẳng hạn như một số nước sẽ yêu cầu sau bao nhiêu năm triển khai, vùng phủ của doanh nghiệp di động phải đạt được đến quy mô như thế nào (vùng phủ địa lý), hoặc phải đảm bảo phủ sóng đến một tỷ lệ dân số nhất định (vùng phủ dân số). Yêu cầu này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp đầu tư co cụm, chồng chéo nhau ở những thành phố lớn, khu vực đông dân cư mà không chịu mở rộng quy mô phủ sóng sang các khu vực xa hơn, hẻo lánh hơn... Việc cơ quan quản lý đưa ra những ràng buộc về vùng phủ khi cấp phép cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo rằng người dân ở các nơi sẽ có quyền thụ hưởng dịch vụ một cách bình đẳng.

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia đến từ Thụy Điển đặc biệt lưu ý các nhà hoạch định chính sách Việt Nam là chính sách bảo vệ người dùng cuối như thế nào. Cụ thể, chất lượng dịch vụ luôn liên quan đến cam kết của nhà mạng với khách hàng.

"Đôi khi nhà mạng hứa với khách hàng tốc độ "lên tới xyz mbps", nhưng thực tế thì họ không hàm ý như vậy. Một số nước có chế tài xử phạt rất nặng khi nhà mạng hứa hẹn nhiều nhưng không làm được, chẳng hạn như Singapore. Họ quan niệm đó là cách để bảo vệ người dùng", ông Wassenius cho biết.

Tuy vậy, một vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc quản lý chất lượng dịch vụ chính là phương thức đo kiểm. Thường thì cảm nhận của người dùng với các chỉ tiêu đo kiểm chất lượng của nhà mạng và trị số đo kiểm của cơ quan quản lý không đồng nhất với nhau. Làm thế nào để tìm được một cách thức dung hòa nhất giữa ba hệ chỉ tiêu này cũng là một vấn đề mà Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình xây dựng chính sách 4G, đại diện Ericsson khuyến nghị.

Ngoài ra, một mô hình kinh doanh 4G cũng được nhiều nước áp dụng là dùng chung mạng lưới. Đó có thể là dùng chung băng tần hoặc dùng chung hạ tầng, cũng có thể là một nhà mạng lớn đầu tư hạ tầng mạng lưới, sau đó "bán sỉ" hạ tầng này cho các nhà mạng nhỏ hơn cùng khai thác. Cách tiếp cận này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí khi triển khai mà còn có lợi hơn cho các mạng nhỏ, nhưng ngược lại, nó cũng đòi hỏi các cơ chế kiểm soát về giá "bán sỉ" rất chặt chẽ để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các nhà mạng "đi mua" hạ tầng mạng lưới, tránh tình trạng họ bị ép giá, chèn ép.

Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao những chia sẻ, khuyến nghị từ phía Ericsson, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến một số vấn đề thuộc về cách thức triển khai như nếu đưa ra các yêu cầu nói trên khi cấp phép, cơ quan quản lý cần thiết chế nào để theo dõi, giám sát các nhà mạng thực thi yêu cầu trong thực tế? Có nên quy định cứng về mức độ phủ sóng ngoài trời (outdoor) và indoor (trong nhà) hay không. Ông cho biết Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm đến thị trường "bán sỉ" hạ tầng vì nó sẽ tác động rất lớn đến thị trường "bán lẻ". Việc ban hành một khung giá cước để quản lý các doanh nghiệp về mặt kinh tế, trong đó quy định rõ giá sàn (giá thấp nhất) để đảm bảo doanh nghiệp luôn có được lợi nhuận để tái đầu tư mạng lưới, cũng như các mạng nhỏ, vào sau cũng có thể có lãi. Nội dung này có thể sẽ được tổ chức thành một Hội thảo chuyên đề riêng trong thời gian tới để tham vấn nhiều chuyên gia viễn thông và quản lý viễn thông quốc tế hơn nữa.

Trước đó, tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ TT&TT chiều 12/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đề nghị các nhà mạng trong nước hoàn thiện sớm hồ sơ cấp phép. Sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, Bộ sẽ phải phối hợp với doanh nghiệp đánh giá các yếu tố như chất lượng thực tế, mức độ can nhiễu.... Sau đó, Bộ sẽ tiến hành xử lý hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp.

"Trước đây Chính phủ yêu cầu Bộ cấp phép trong năm 2016, nay thì nhà mạng làm càng nhanh, chúng tôi sẽ cấp sớm. Có thể cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ cấp phép miễn là đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà mạng", ông nói.

Tính đến thời điểm này, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ. Sau các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu hay Kiên Giang thì cuối cùng, người dân Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã có thể đổi SIM 4G để sử dụng thử dịch vụ 4G với các gói cước cụ thể.

Trọng Cầm