Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, sản phẩm, phần mềm, nội dung hỗ trợ IPv6 tại Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa nắm được và chưa tận dụng được tối đa sự hỗ trợ này.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2 kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Ban công tác Thúc đẩy quốc gia về IPv6 chiều nay, 27/4, Thứ trưởng Phan Tâm, người vừa được phân công làm Trưởng Ban thay thế nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng, khẳng định cơ chế chính sách ưu đãi là một nội dung rất quan trọng, cần phải được làm rõ trong thời gian tới để thực sự tạo ra được một cú hích cho IPv6 tại Việt Nam.

"Nhiều doanh nghiệp chưa biết, chưa nắm được các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho các thiết bị, sản phẩm, nội dung IPv6, do đó chưa tận dụng được tối đa hỗ trợ của Nhà nước".

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo các quy định hiện hành, các dự án đầu tư sản xuất thiết bị, phần mềm, nội dung hỗ trợ công nghệ IPv6 được hưởng chính ưu đãi như đối với dự án đầu tư vào khu công nghệ cao. Ngoài ra, đây cũng là các sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Hoạt động nghên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác dược hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật công nghệ cao. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất các thiết bị, phần mềm dịch vụ hỗ trợ IPv6 còn được hưởng những ưu đãi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia....

Tuy nhiên, có thể thấy là các ưu đãi này nằm rải rác ở nhiều văn bản, chưa được hệ thống hóa nên các doanh nghiệp, tổ chức khó nắm bắt được một cách toàn diện. Chính vì thế, theo Kế hoạch hành động 2016, Vụ CNTT sẽ có nhiệm vụ hoàn thiện văn bản hướng dẫn các ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, kinh doanh thiết bị, phần mềm, nội dung hỗ trợ công nghệ IPv6. Thời hạn dự kiến cũng là trong quý II/2016.

Đào tạo IPv6 cho mạng 4G LTE

Cũng theo Kế hoạch 2016, trong quý II, Cục Viễn thông sẽ phải hoàn thiện phòng đo kiểm, chứng nhận thiết bị sản phẩm hỗ trợ IPv6 tại VN, trong khi vụ KHCN hoàn chỉnh các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng IPv6 của các thiết bị, hạ tầng thông tin, mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp.

Hội thảo "Ngày IPv6 Việt Nam" sẽ diễn ra vào ngày 6/5 tới đây, đồng thời các báo, mạng xã hội, doanh nghiệp Internet cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ IPv6 đến người dùng cuối một cách xuyên suốt trong cả năm 2016. "Việc chuyển đổi sang IPv6 tại VN trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, mà nguyên nhân bắt đầu nhiều từ sự nhận thức. Làm sao để xã hội nhận thức được rằng chuyển sang IPv6 không đơn giản chỉ để giải quyết sự thiếu hụt địa chỉ IPv4, mà IPv6 còn là thế hệ sau, tân tiến hơn, hỗ trợ nhiều ứng dụng, công nghệ mới hơn. Nói cách khác, IPv6 là một cơ hội", Thứ trưởng Phan Tâm phân tích.

"Chúng ta vẫn nói, trâu chậm thì uống nước đục. Ta định uống nước đục hay nước trong với cơ hội do IPv6 mang lại? Nếu ta đầu tư ngay từ bây giờ cho IPv6 thì sẽ sớm được hưởng lợi từ công nghệ này. Nhưng muốn vậy thì việc triển khai cần phải thực chất", ông nêu rõ.

Liên quan đến nhiệm vụ đào tạo, hợp tác quốc tế về IPv6, Ban công tác cho biết sẽ tiến hành đào tạo thường xuyên cho các Sở TT&TT địa phương, cho khối cơ quan Đảng, Nhà nước và đặc biệt là đào tạo triển khai IPv6 cho mạng di động 4G LTE cho nhà mạng trong tháng 4-5/2016.

Đến tháng 11/2016, VNNIC sẽ phối hợp với Ban công tác và các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá khả năng, mức độ ứng dụng IPv6 và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ thực tế trên nền IPv6, thúc đẩy tỉ lệ người sử dụng và lưu lượng IPv6 của VN.

Bước sang giai đoạn 3

Theo đại diện VNNIC, năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 3 (2016-2019) trong Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6. Mục tiêu của Ban công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia là phải hoàn thiện và nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam, đảm bảo cho Internet VN hoạt động hoàn toàn tương thích, an toàn với IPv6. Đồng thời, mạng lưới của các tổ chức, doanh nghiệp, mạng chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng sẽ chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ với IPv6 trong giai đoạn này.

Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cần chủ động hoàn thiện mạng lưới, phát triển dịch vụ IPv6, triển khai cung cấp các dịch vụ tới khách hàng và chủ động phát triển dịch vụ trên nền IPv6 theo yêu cầu thị trường cũng như xu thế chung của thế giới. Các báo điện tử, trang thông tin điện tử và mạng xã hội có trách nhiệm hoàn tất việc chuyển đổi dịch vụ nội dung, hỗ trợ song song cả IPv4 lẫn IPv6. Các Nhà đăng ký tên miền quốc gia VN và các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại VN cần hoàn tất việc chuyển đổi, đảm bảo dịch vụ DNS và các hệ thống phục vụ đăng ký tên miền ".vn", tên miền quốc tế hỗ trợ song song cả 2 chuẩn giao thức.

Về phần mình, Trung tâm VNNIC đảm bảo mạng máy chủ DNS quốc gia, hệ thống trung chuyển lưu lượng quốc gia hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6, đá ứng yêu cầu của hoạt động Internet VN.

Để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi IPv6 dễ dàng hơn, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia sẽ giữ vai trò tư vấn cho các đơn vị có nhu cầu.

T.C