- Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, tránh tư tưởng chủ quan, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn vừa có công điện điện Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và các tỉnh miền núi phía Bắc; Các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông: VNPT, Viettel, MobiFone, Vishipel, VNPOST và Thành viên BCH PCTT&TKCN Bộ TT&TT.

Theo công điện, cơn bão số 2 (bão Nida) đã vào Biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 13-14. Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay khu vực phía bắc biển Đông sẽ có gió mạnh cấp 8 đến cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16, cấp 17.

{keywords}

Theo dự báo hiện nay, bão di chuyển về hướng bờ biển của Hồng Kông nhưng phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, hoàn lưu bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn rất phức tạp, không loại trừ khả năng bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta.

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, tránh tư tưởng chủ quan, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố nói trên chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng tại trung ương và địa phương tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo chỉ đạo ứng phó với bão để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi, cập nhật thường xuyên, tránh tư tưởng chủ quan.

2. Các Tập đoàn, Tổng Công ty và các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai ngay phương án phòng, chống và phương án ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các cấp. Chú trọng việc kiểm tra, rà soát và tổ chức gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, anten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn, thông tin di động và mạng ngoại vi, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới bưu chính, viễn thông, thiết bị nguồn điện như máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.

3. Cục Bưu điện Trung ương sẵn sàng đảm bảo thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

4. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

a) Đảm bảo thông tin liên lạc an toàn tuyệt đối phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả sau mưa lũ của Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên.

b) Tăng cường, bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat, VSAT, các trạm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn và Viễn thông các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, sạt lở đất để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt.

5. Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) tăng cường công tác trực canh, phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên biển và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú an toàn.

6. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông ngoài nhiệm vụ của mình cần chủ động hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ của Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên.

7. Các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ; báo cáo Bộ trưởng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn Bộ Thông tin và Truyền thông (hàng giờ, hàng ngày) về công tác chuẩn bị ứng phó với bão, tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và công tác đảm bảo thông tin liên lạc.

H.Nhì