Ngày 9/9, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, 8 tháng qua, Thanh tra Sở đã xử phạt 30 tổ chức, cá nhân với số tiền 467,5 triệu đồng do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử.

Trong đó, có 22 trường hợp bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; có hiệu lực từ ngày 15/4/2020) với số tiền phạt 345 triệu đồng.

 
{keywords}
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mời một chủ tài khoản Facebook đến làm việc vì đã đăng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý

"Các vi phạm trên tập trung ở hoạt động trang thông tin điện tử và thông tin trên mạng xã hội", Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết thêm.

Cụ thể, với hoạt động trang thông tin điện tử, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt 11 tổ chức với tổng số tiền phạt 185 triệu đồng và 3 cá nhân với số tiền phạt 20 triệu đồng.

Các trang thông tin điện tử mắc các vi phạm như: Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp không có giấy phép; sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam, nhưng thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; đăng phát các tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; thu thập thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý.

Với các vi phạm về thông tin trên mạng xã hội, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng xử phạt 12 cá nhân với tổng số tiền phạt 112,5 triệu đồng và 4 tổ chức với tổng số tiền phạt 125 triệu đồng; tập trung ở 6 hành vi vi phạm: Cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc; thiết lập mạng xã hội sử dụng giấy phép hết hạn; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Trong số này, có tới 4 cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 với mục đích tăng lượng truy cập (câu view) cho tài khoản Facebook của mình để bán hàng qua mạng. Ví dụ mới nhất là trường hợp của chủ tài khoản Lê Đức Công đăng thông tin sai sự thật về biến thể của vi rút và cách phòng tránh, cách chữa bệnh tại nhà... nhằm mục đích thu hút cộng đồng mạng, tăng lượt tương tác cho trang fanpage phục vụ việc kinh doanh túi xách online.

Có 6 tổ chức, cá nhân bị phạt với số tiền 67,5 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm vì đã "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích”. Điển hình trong đó có trường hợp một số cá nhân sử dụng hình ảnh một doanh nhân nổi tiếng để bán sách online...

Theo Hà Nội mới

4 cơ quan báo chí bị xử phạt 72 triệu đồng vì thông tin sai sự thật

4 cơ quan báo chí bị xử phạt 72 triệu đồng vì thông tin sai sự thật

Cục Báo chí đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông tin sai sự thật của 4 cơ quan báo chí, tổng số tiền bị phạt là 72 triệu đồng.