- Không có xe của nhà ga đón, chúng tôi đi bộ vào sảnh đợi hành lý. Thật buồn cười khi thấy một đầu máy cày chạy sình sịch kéo theo 2 rơ mooc chở hành lý. 

Chia sẻ của bạn đọc Dương Biên (TP.HCM) với diễn đàn "Xem Tây ngẫm ta".

Lúc tôi và đoàn đi Ấn Độ phải quá cảnh Bangkok, sau hơn 5 tiếng đến Mumbai, chúng tôi ra khỏi nhà ga hành khách Mumbai đợi xe của công ty đối tác đến đón nhưng cả đoàn trầm trồ kinh ngạc về đất nước Ấn Độ.

Taxi: Những chiếc xe ở đây chắc phải có từ đầu thế kỷ 20. Đoàn chúng tôi tranh thủ chụp ảnh lưu niệm vừa đi vừa bàn tán sôi nổi về xe taxi ở xứ này. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Ở đây họ lái xe bên phải và máy tính tiền thì lạ kỳ nhất thế giới, trước khi xe chuyển bánh, bác tài gạt máy tính tiền từ trong xe đưa ra phía trước bên phải và xe chạy, máy tính tiền chạy. Đâu như Việt Nam nghèo nhưng đi taxi toàn những xe hiện đại vào hàng nổi tiếng thế giới.

Sân bay Nagpur: Sau một đêm ngủ tại Mumbai, chúng tôi lại lên xe và đến sân bay Mumbai để đi thành phố Nagpur, điều lạ kỳ nữa là cách đóng gói hành lý, mấy người công nhân đặt va li của khách lên một cái giá rồi bấm máy để dây quấn quanh rồi chuyển vào hệ thống băng tải.

Máy bay hạ cánh ở sân bay Nagpur, không có xe của nhà ga đón, chúng tôi đi bộ vào sảnh đợi hành lý. Thật buồn cười khi thấy một cái đầu máy cày chạy sình sịch kéo theo 2 rơ mooc chở hành lý. Họ không sĩ diện như chúng ta.

Tàu hỏa: Tôi tha thẩn dạo chơi thành phố thì thấy đoàn tàu hoả hú còi chạy qua, nhìn lên tàu tôi thấy ngay cái cảnh đoàn tàu hoả miền Bắc từ những năm trước giải phóng. Đoàn tàu chật cứng người, các lối đi lại thậm chí nóc toa đầy người lại còn vẫy tay chào rất vui vẻ. 

Đám cưới: Một hôm tôi đi dạo ở Mumbai thì nghe thấy tiếng kèn, trống tưng bừng, vội ngó nhìn thì thấy một đám cưới. Cô dâu đang ngự trên lưng một chú voi và chú rể mặt tươi cười vẫy tay chào trên lưng một con ngựa. 

Đám cưới đi bên cạnh đường với dàn kèn trống chơi say mê và có lẽ vui nhất là có nhạc công mặc áo veston nhưng chân lại đi đất. 

Trông họ thật vui tươi, hồn nhiên và rất thoải mái.

Nhà hàng: Đợt chúng tôi qua Mumbai thì gặp dịp tưởng nhớ Indira Gandhi, theo lệnh chính phủ không một hàng quán nào được bán bia, rượu trong mấy ngày quy định.

Chúng tôi đi khắp nơi, từ siêu thị đến cửa hàng tạp hoá, đều nhận được câu trả lời: không bán trong những ngày cấm. 

Mấy anh em quyết định đi ăn và hỏi một anh taxi về nhà hàng Việt Nam thì được trả lời Mumbai không có nhà hàng Việt nhưng họ cho biết có một nhà hàng mà chủ là người Việt Nam, chúng tôi nhờ chở đến. Nhà hàng rất đông khách, cố gắng chúng tôi cũng tìm được một chỗ ngồi và gọi món ăn đồng thời hỏi thăm người chủ quán Việt Nam. 

Gọi món cua hấp nhưng gọi đến rượu thì: không bán. Không lẽ ăn hải sản lại uống nước ngọt, chúng tôi mời người chủ quán Việt đến, một cô chủ người gốc Tiền Giang lấy chồng Australia giờ qua Ấn Độ, cô chủ quán tươi cười, ríu rít với 2 chị trong đoàn. 

Khi chúng tôi hỏi đến rượu thì được trả lời: Ấn Độ rất nghiêm, nếu vi phạm lệnh cấm có thể bị đóng cửa nhà hàng như chơi. Chúng tôi năn nỉ một hồi và được cô nói nhỏ: Rượu sẽ đựng trong chai nước ngọt có cắm ống hút và mời các anh ngon miệng nhưng cố gắng yên lặng.

Nếu ở Việt Nam, lệnh cấm kiểu này có được thực thi không nhỉ?

{keywords}

Món ăn truyền thống Ấn Độ

Nhà giảng đạo: Đi thăm nhà giảng đạo kỳ lạ rộng mênh mông có thể chứa được hàng nghìn người ở Nagpur không cần sử dụng micro. Chỉ cần thì thầm ở đầu nhà cuối nhà đã nghe rõ mồn một. Chắc trên thế giới có một không hai.

Tiếng Anh: Sau khi rời nhà giảng đạo, đoàn chúng tôi đến tặng một số tiền cho một nhà thờ nhỏ, điều kinh ngạc đầu tiên là rất đông trẻ em 6,7 tuổi đã nói tiếng Anh rất tốt. Dù biết Ấn Độ là thuộc địa cũ của Anh nhưng tôi vẫn tự hỏi tiếng Anh được dạy như thế nào mà họ nói như tiếng mẹ đẻ vậy. 

Đoàn chúng tôi có một anh làm chuyên viên Đại sứ quán nhưng khi dịch cho đoàn vẫn rời rạc và nặng phần ầm ừ thì một người làm thầy tu còn rất trẻ đáp lời, tôi cứ nghĩ anh ta là người Anh chứ không phải người Ấn vì nói rất rõ, rành rọt và chuẩn. 

Ước gì học sinh, sinh viên mình cũng giỏi như thế. Mong các nhà giáo nghiên cứu để việc dạy học tiếng Anh ở Việt Nam đỡ nhức nhối vì sinh viên, người lao động kém ngoại ngữ thua thiệt ngay trong sân nhà và trên thị trường lao động quốc tế.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải

Dương Biên (TP.HCM)