Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tính đến nay cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 827 xã (9,3%) so với cuối năm 2018; Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, tăng 0,75 tiêu chí so với cuối năm 2018; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đã có 08 địa phương có 100% số xã đạt chuẩn NTM gồm: Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ.

Có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 48 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2018.

Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 6.084 xã (68,3%) đạt tiêu chí Giao thông nông thôn; 8.269 xã (92,9%) đạt tiêu chí Thủy lợi; 6.026 xã (67,7%) đạt tiêu chí Trường học; 5.846 xã (65,6%) đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; 6.883 xã (77,3%) đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư, 95% số xã đạt tiêu chí điện lưới…

{keywords}
Các tiêu chí cứng trong xây dựng NTM được các địa phương hoàn thành xuất sắc (ảnh: LAD)

Từ những kết quả trên, điều có thể dễ nhận thấy sau khi thực hiện chương trình là diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, thiết chế hạ tầng - kể cả hạ tầng cứng và mềm được cải thiện tích cực.

Trao đổi với báo chí về hướng đi của chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Minh Tiến –Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.

Theo ông, trong giai đoạn đầu khi thực hiện chương trình, các địa phương thường chú trọng nhiều hơn vào các tiêu chí cứng, tức là đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng, điện đường trường trạm. Song, đời sống tinh thần của người dân phải được coi trọng, các giá trị văn hóa cốt lõi phải được giữ vững trong quá trình xây dựng NTM. Tức những tiêu chí mềm trong xây dựng NTM cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

Hai năm gần đây, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy vay trò chủ thể của người dân đã được chú trọng hơn, các mô hình du lịch sinh thái nông thôn nở rộ là một cách để phát huy, lưu giữ những giá trị ấy. Theo đó, tinh thần chỉ đạo chung của chương trình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 là không chỉ tập trung vào cấp xã mà triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau.

Ví như những địa phương ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, mật độ dân cư thấp, thì khi triển khai NTM thôn bản cần hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển sản xuất. Những nơi có điều kiện triển khai NTM cấp xã, những vùng phát triển hơn thì triển khai xây dựng nông thôn mới cấp huyện, còn những nơi có nền tảng, tiềm lực có thể tiến tới quy mô xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.

“Có nghĩa chương trình xây dựng NTM giai đoạn tới sẽ triển khai ở nhiều cấp độ chứ không chỉ tập trung vào 19 tiêu chí cứng như trước đây”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và cộng đồng thôn bản chủ động tham gia quản lý phát triển sinh kế, quản lý công trình, bảo vệ môi trường cảnh quan, phát triển văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. 

Cần tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh dinh dưỡng và an ninh lương thực đối với nhóm nghèo và cận nghèo, đặc biệt tại các vùng khó khăn.

Cùng với đó, phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị.  Đặc biệt, cần phải đưa văn hóa thành động mực mới cho xây dựng NTM. Xây dựng NTM gắn chặt với việc  tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn…, ông Tiến cho hay.

Châu Giang