Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới đã góp phần cải thiện diện mạo nông thôn Việt Nam. Đường làng ngõ xóm phát triển rõ rệt giao thông nông thôn. Dồn điền đổi thửa nhanh mạnh ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng, các cánh đồng lớn phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long. Điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục… ở nông thôn cải thiện đáng kể. Người dân cả nước quan tâm, chú ý nhiều hơn đến nông thôn, nông dân.

Đánh giá 10 năm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TS. Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ với báo chí, được báo chí dẫn lời, cho rằng, nông thôn phát triển nhanh nhưng đô thị phát triển còn nhanh hơn.

Nông thôn phát triển nhanh nhưng nói về đa chiều thì nông thôn ngày càng có khoảng cách với đô thị. Hiện 30% thu nhập nông thôn vẫn phụ thuộc vào đô thị nên vẫn còn tình trạng di cư ra đô thị. Điều này tạo sức ép cho cả hai phía.

Thời gian tới cần xây dựng mô hình phát triển bao trùm. Tức là cả hai chu kỳ lao động cho sản xuất nông nghiệp lẫn lao động cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ đều nằm trên địa bàn nông thôn. Như vậy, lao động sẽ là lao động chất lượng cao, thu nhập cao. Điều này sẽ giúp lao động “ly nông bất ly hương”.

{keywords}
Xây dựng NTM: Bắc cây cầu lan tỏa phát triển kinh tế từ đô thị về nông thôn.

Theo quy luật phát triển, khi đất nước hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, phần lớn lao động nông thôn sẽ chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp và hầu hết cư dân nông thôn phải trở thành thị dân.

Vì thế, quá trình xây dựng nông thôn mới phải từng bước bắc được cây cầu lan tỏa phát triển kinh tế từ đô thị về nông thôn, từng bước chuyển đổi xã hội nông thôn trở thành đô thị. Ngay từ việc xây dựng tiêu chí đến quy hoạch nông thôn phải gắn liền với việc phát triển đô thị và phát triển nông nghiệp phải gắn với chuyển đổi sinh kế của lao động sang phi nông nghiệp.

Do đó, đô thị cần phát triển ngay từ nông thôn. Quá trình phát triển đô thị sẽ gắn liền với phát triển nông thôn. Trong vòng 10 năm tới, tiêu chí nông nông thôn mới, phân cấp nông thôn mới không chỉ có nông thôn, mà những vùng có thể phát triển thành đô thị thì trở thành đô thị.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, mục tiêu xây dựng nông thôn mới không phải là tạo ra một vài mô hình thành công về cơ sở hạ tầng và điều kiện sống ở nông thôn để các nơi khác noi theo. Những gì chúng ta cho là mới, là hiện đại hôm nay sẽ lạc hậu ngày mai. Không thể hy vọng có một số vùng nông thôn đi trước, thu hẹp khoảng cách với đô thị là có thể cải thiện cơ bản những mâu thuẫn đang đặt ra.

Để cải thiện tình hình chung, sức nhà nước hiện rất giới hạn. Phát triển nông thôn cả nước phải dựa vào nội lực của nhân dân. Mục tiêu phát triển nông thôn là tạo được ý chí tự lực của người dân, tinh thần đoàn kết của cộng đồng, tạo động lực để nông dân làm giàu, mở ra cơ hội phát triển của nông thôn.

Người dân nông thôn phải thay đổi tư duy. Họ phải hiểu những thách thức và cơ hội ghê gớm trước mắt. Hơn ai hết, chính cư dân nông thôn phải là chủ thể của quá trình vĩ đại này. Mục tiêu không phải là xây dựng công trình mà là thay đổi tư duy, nhận thức để thay đổi hành vi, cách sống, cách làm việc của toàn thể cư dân nông thôn.

Việc làm con đường, xây ngôi trường… có thể cải thiện một phần cuộc sống hiện tại nhưng hoạt động đó chỉ có ý nghĩa khi quá trình ra quyết định, sự tham gia xây dựng, quyền giám sát quản lý thực sự giúp dân tự tin vào chính sức mạnh của bản thân, tin vào sự phối hợp, liên kết với nhau.

Để người dân nông thôn biết rõ và có năng lực đương đầu với tương lai mới là mục tiêu quan trọng nhất của phong trào nông thôn mới, mới là biện pháp căn bản để người nông dân đứng lên tự cứu mình và giúp nước.

Bài: Nguyễn Thị Hà Sơn - nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - nhóm PV