Báo cáo tổng kết 30 năm (giai đoạn 1989 – 2019) cho thấy phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong tỉnh, có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, phát huy nhân tố văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, “xóa đói giảm nghèo”, nâng cao đời sống vật chất của người dân ở nông thôn và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tạo bộ mặt nông thôn mới (NTM).

{keywords}
Khung cảnh làng quê Thanh Hóa

Giai đoạn 1991 - 2009, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng và công nhận cho 3.426/6.031 thôn, bản, tổ dân phố (đạt tỉ lệ 56,8%). Đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 5.586/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa (đạt tỉ lệ 92,6%); trong đó, số lượng làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa là 4.396/6.031 (đạt tỉ lệ 72,8%).

Có 371 xã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM (đạt tỷ lệ 64,3%); trong đó có 296 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM (đạt tỷ lệ 51,6%), có 366 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa trong tiêu chí xây dựng NTM (đạt tỉ lệ 63,8%).

Đặc biệt, việc xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã chú trọng gắn kết với công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM... góp phần nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân và tạo dựng diện mạo mới cho nhiều vùng quê. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa; duy trì phát triển các hoạt động văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Cùng với đó, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa cũng góp phần cải thiện môi trường sinh thái nông thôn, xây dựng xã hội nông thôn kỷ cương, dân chủ, đồng thuận và an toàn.

Uyên Minh