Chủ trương đưa con em đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập được coi là quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ ta, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chủ tịch đến thăm các em nhỏ tại Trại nhi đồng miền Nam trên đất Bắc. Ảnh: Tư liệu

Những “đoàn chim non” miền Nam lần lượt rời tổ ấm

Trong những điều khoản của Hiệp định Genève 1954 không nói đến lực lượng tập kết là thiếu nhi, học sinh, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn một số con em cán bộ, gia đình chính sách... đưa ra miền Bắc.

Mục đích là nhằm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng miền Nam khi nước nhà thống nhất. 

Cuối năm 1954, những “đoàn chim non” ở miền Nam lần lượt rời tổ ấm theo những ngả đường khác nhau, tập kết an toàn ở biển Cửa Hội (Nghệ An) và Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong vòng tay chào đón của đồng bào miền Bắc.

"Chúng tôi không bao giờ quên được hình ảnh khi con tàu cập bến, cả rừng người áo nâu đứng đợi như chào đón những đứa con xa quê trở về nhà", một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cuối năm 1954 nhớ lại.

{keywords}
 
{keywords}
Đồng bào miền Bắc chào đón chào tàu chở cán bộ, học sinh miền Nam ra tập kết. Ảnh: Tư liệu

Thời kỳ ấy, miền Bắc vừa được giải phóng sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đời sống khó khăn nhưng các cấp, ngành và đồng bào đã nhiệt thành đón tiếp, chăm sóc tận tình học sinh miền Nam như con em ruột thịt.

Ngày 18/1/1955, Ban Bí thư họp bàn về công tác giáo dục và đưa ra chủ trương thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam, gọi chung là trường học sinh miền Nam.

Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được ra đời như thế. Trường được đặt tại Hà Nội và một số địa phương theo tiêu chí "thuận tiện giao thông, gần Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ", đủ cả 3 cấp học 1, 2, 3. Trong đó, có cả trường dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số, con em người Hoa...

Có thể nói, hệ thống trường lớp này là một bộ phận đặc biệt trong nền giáo dục quốc dân, đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành TƯ, các địa phương và sự quan tâm hết mực của Bác Hồ.

Những học sinh được lựa chọn là con em cán bộ miền Nam theo cha mẹ tập kết, học sinh có thành tích cao, con liệt sĩ. Ngoài ra, còn có học sinh vượt tuyến, học sinh miền Nam (Bình Trị Thiên, liên khu 5) được ra Bắc học trong kháng chiến, nhưng không có cha mẹ ở miền Bắc và không liên lạc được với gia đình.

Một số cán bộ, bộ đội dưới 18 tuổi cũng được cho đi học. Bên cạnh đó, còn có Trại nhi đồng miền Nam do bà Trương Thị Sáu (tức bà Nguyễn An Ninh) phụ trách với gần 300 cháu từ 3 - 6 tuổi, nhiều cháu “đặc biệt” vì ba má đang tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

"Ngày ấy cô đã biết làm mẹ trước khi lấy chồng"

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tiếp tục đưa con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc đào tạo.

Hàng chục nghìn con em từ 9-10 tuổi và đồng bào miền Nam đã lội bộ vượt Trường Sơn đầy máu lửa ra Bắc, ngược đường với các đoàn quân của miền Bắc nườm nượp chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Từ 1954-1975, 28 trường học sinh miền Nam đã được thành lập ở Hà Nội và các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ)..., sang cả Khu học xá Nam Ninh, Quế Lâm (Trung Quốc) và CHDC Đức.

{keywords}
Liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân (bên trái) chụp cùng chị Loan - vợ nhà văn Anh Đức và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Hà Nội năm 1964. Ảnh tư liệu

Tuy miền Bắc lúc bấy giờ còn thiếu giáo viên nhưng giáo viên được phân công về các trường học sinh miền Nam đều được tuyển chọn với tiêu chuẩn cao từ các trường sư phạm chính quy, về sau có bổ sung thêm giáo viên ngoại ngữ, nhạc, họa được đào tạo ở Trung Quốc, ưu tiên những giáo viên người miền Nam.

Không chỉ dạy chính khóa, giáo viên còn lo phụ đạo, hướng dẫn học sinh tự học, lao động, văn nghệ, thể dục, thể thao, đi tham quan, cắm trại…

Ngoài ra, còn có các nhân viên tiếp liệu, tiếp phẩm, lo việc nấu nướng, bộ phận hành chính, quản trị, y tế. Tất cả cũng phải tạm xa gia đình, cùng ăn cùng ở, vừa giảng dạy vừa chăm lo cho học sinh miền Nam.

Sau này, khi gặp lại những học sinh miền Nam của mình năm xưa, có cô giáo đã bộc bạch: "Ngày ấy cô đã biết làm mẹ trước khi lấy chồng".

Nhiều nữ giáo viên "vì học sinh miền Nam thân yêu" mà không lo được hạnh phúc cho riêng mình.

32.000 "hạt giống đỏ”

Trong 21 năm, có hơn 5.000 giáo viên được huy động đào tạo cho hơn 32.000 học sinh miền Nam.

Theo định hướng của Đảng và Chính phủ, mà trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trường học sinh miền Nam đã nhận trọng trách nuôi và dạy học sinh một cách toàn diện theo mục tiêu giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người”, đào tạo nhân lực cho cách mạng miền Nam nói riêng và cho cả nước nói chung sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Các trường thực hiện giảng dạy và học tập đầy đủ các mặt: đức, trí, thể, mỹ và lao động sản xuất… Ngoài những môn học chính, ở cấp 2 học sinh còn được học ngoại ngữ (thời kỳ đầu học Trung văn), học vẽ, học nhạc, học gò, hàn, mộc… Đặc biệt, việc chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng cho các em học sinh được đặt lên hàng đầu .

Lịch sử 21 năm của trường học sinh miền Nam đã chứng minh thành công trong việc đưa các vấn đề chính trị, kiến thức chính trị vào tất cả các hoạt động của nhà trường.

Ý nghĩa của “hạt giống đỏ” bắt nguồn từ thành tựu giáo dục đặc biệt này. “Nhuộm đỏ dần”, “từng bước nhuộm đỏ phẩm chất, năng lực, thể chất và tâm hồn các em”, đó là ý thức, là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình nuôi và dạy, giáo dục và đào tạo của nhà trường.

Chính nhờ được nuôi dưỡng, đào tạo trong môi trường giáo dục toàn diện, đầy đủ trí - đức - thể - mỹ, với trách nhiệm và tình thương cao cả của các thầy cô giáo, cô chú phục vụ, cùng ý thức tập thể, tự lực cánh sinh, vươn lên, mà tất cả học sinh miền Nam đã chung sức, đồng lòng rèn luyện bản thân "vừa hồng, vừa chuyên", đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

ThS Vũ Thị Kim Yến (Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch)

Bộ đĩa hát con gái nuôi gửi tặng Bác Hồ

Bộ đĩa hát con gái nuôi gửi tặng Bác Hồ

Nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, con nuôi của Bác, đã gửi tặng Người bộ 6 đĩa hát của nghệ sĩ nổi tiếng Maurice Chevalier.