- Dân là gốc, nhân dân trên biển hay trên bờ đều là công dân Việt, trách nhiệm của các lực lượng chức năng là bảo vệ, giúp đỡ dân. Đó cũng là một trong những lời thề của Quân đội nhân dân VN, trong đó có lực lượng Cảnh sát biển. 


Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “Cảnh sát biển VN - 17 năm vững gác biển đảo chủ quyền của Tổ quốc” bắt đầu lúc 10h sáng nay tại trường quay của báo VietNamNet.

Hai vị khách mời đặc biệt là Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN và Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng - Chính trị viên tàu CSB 8001 có mặt tại trường quay tham gia bàn tròn với nhà báo Vân Anh.

Tháng 5/2014, khi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra, có hai lực lượng thực thi chấp pháp trên biển là Cảnh sát biển VN và Kiểm ngư VN trở thành hai lực lượng chính ở thực địa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển chủ quyền của VN.

{keywords}
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu (giữa), Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng (bìa phải) tại trường quay VietNamNet sáng 26/8.

Trong khi Kiểm ngư VN vừa được thành lập trước đó hơn 1 năm thì lực lượng Cảnh sát biển VN cũng khiến không ít người dân, công chúng lần đầu biết đến.

Thực tế, dù là lực lượng còn non trẻ so với các quân binh chủng khác trong toàn quân nhưng Cảnh sát biển VN đã ra đời từ năm 1998. 

Trong 17 năm qua, Cảnh sát biển VN luôn vững bước thực thi các nhiệm vụ trên biển, góp phần bảo vệ vùng biển chủ quyền của đất nước.

Ngày 28/8/2015 là ngày truyền thống của lực lượng, đúng sinh nhật lần thứ 17, Cảnh sát biển VN sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cứ cảnh sát tưởng thuộc bộ Công an

Nhà báo Vân Anh: Thưa độc giả, Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu đã rất quen thuộc với công chúng trong vai trò người phát ngôn thường trực cho Cảnh sát biển VN từ sự kiện của năm 2014, còn 8001 chính là một trong những con tàu có mặt tại thực địa thời điểm đó.

{keywords}
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Cảnh sát biển ra đời lâu mà nhiều người chưa biết, vẫn nghĩ cứ cảnh sát thì thuộc bộ Công an. 

Trước hết, xin được đặt câu hỏi với Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Hoạt động của Cảnh sát biển VN trước và sau thời điểm sự kiện trong năm 2014 có những thay đổi, khác biệt nào?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu Cái khác là Cảnh sát biển VN được quan tâm, ưu ái hơn, thông tin được báo chí đưa lên là người dân biết Cảnh sát biển đang làm gì. 

Cảnh sát biển ra đời đã lâu mà nhiều người chưa biết, vẫn nghĩ cứ cảnh sát thì thuộc bộ Công an. Nhưng chúng tôi là một lực lượng chuyên trách, nhà nước giao cho bộ Quốc phòng quản lý.

Nhà báo Vân Anh: Thưa Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng, chúng tôi quan tâm, sau sự kiện của năm 2014, con tàu 8001 quay trở lại thường nhật tiếp tục công việc của mình có ghi thêm "chiến công" nào? Kinh nghiệm thực địa của sự kiện lớn đó đã giúp các ông đúc rút điều gì cho hoạt động sau này?

Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Sau khi thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa năm 2014, tàu Cảnh sát biển 8001 tiếp tục nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ ngư dân trên biển. 

Năm 2014 – 2015, chúng tôi thực hiện tốt các nhiệm vụ trên giao, thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của bộ tư lệnh vùng 3 giao cho như việc đưa đón các đoàn thăm các vùng biển đảo: Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa... 

Chúng tôi vẫn làm tốt nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò của mình, xứng đáng là lực lượng dù sinh ra sau đẻ muộn nhưng vẫn có thành tích cao.

Qua thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi càng tin tưởng hơn đối sách trên biển, yên tâm hơn với cách ứng xử khôn khéo, kiên quyết, linh hoạt trên biển.

Đầu tư hiện đại Cảnh sát biển VN

Nhà báo Vân Anh: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua được đầu tư đi thẳng vào hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đến nay, Cảnh sát biển đã đủ tiềm lực về trang thiết bị đảm bảo nhiệm vụ trong các tình huống phức tạp, khó khăn nhất?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Có thể nói sau 17 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng lực lượng Cảnh sát biển, tôi cảm nhận rằng dù sinh sau đẻ muộn nhưng với tốc độ phát triển toàn diện như hiện nay, Cảnh sát biển đã có các trang bị tương đối vững chắc nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước và nhân dân.  

{keywords}
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Cảnh sát biển sinh sau đẻ muộn nhưng phát triển toàn diện

Chúng ta có vùng biển rộng trên 1 triệu km vuông nên yêu cầu đảm bảo tự do an ninh hàng hải, hàng không trên biển rất lớn. Chúng ta là quốc gia có trách nhiệm trên biển, nên nhiệm vụ đảm bảo tự do an ninh hàng hải là rất quan trọng.

Vì thế, mặc dù rất được sự quan tâm và đầu tư lớn, thì vẫn cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa. 

Việc Hoa Kỳ giúp đỡ là bình thường

Nhà báo Vân Anh:  Gần đây Mỹ tuyên bố viện trợ cho VN một số tàu hiện đại giúp Cảnh sát biển VN thực thi luật pháp trên biển, viện trợ một số trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng. Việc này đến nay đã triển khai như thế nào?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Như tôi đã nói, ngoài việc cố gắng đầu tư trang bị của Đảng, nhà nước và nhân dân, VN còn tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế. 

Vấn đề an ninh, an toàn trên biển là quan tâm của mọi quốc gia, dù có hay không có biển. Ta chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa đối ngoại, trong đó tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước về cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, thực thi pháp luật...

Vừa rồi báo chí đưa tin Hoa Kỳ ủng hộ VN gói 18 triệu USD, cùng một số trang thiết bị. Nhưng không riêng Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia đã ủng hộ VN cả vật chất và tinh thần, thể hiện sự quan tâm đối với an ninh, an toàn trên biển. 

VN làm tốt việc này thì các nước được đảm bảo về lưu thông hàng hóa, vì đây là vùng biển huyết mạch, Biển Đông mà bình yên thì các quốc gia sẽ yên tâm.

Việc Hoa Kỳ giúp đỡ là bình thường, Cảnh sát biển VN đang phối hợp với Hoa Kỳ để triển khai nội dung này.

Cần thông tin từ ngư dân

Nhà báo Vân Anh: Một trong những đối tượng mà Cảnh sát biển thường xuyên trực tiếp làm việc đó là ngư dân. Dư luận nhìn chung mỗi lần nghe tin ngư dân bị cướp bóc, bị bắt bớ, bị đâm, xua đuổi tàu thuyền khi đánh bắt cá là bức xúc, lo lắng về những nguy hiểm mà họ đối mặt trên biển. 

Và họ thường đặt câu hỏi Cảnh sát biển có thể làm thế nào bảo vệ ngư dân của mình trên biển? Nhất là những tình huống phức tạp va chạm tàu thuyền nước ngoài lớn hơn, uy hiếp bằng sức mạnh của tàu lớn đối với tàu bé thô sơ của ngư dân ta?

Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Là người trực tiếp hoạt động trên biển, chúng tôi hàng ngày hàng giờ phối hợp các lực lượng hỗ trợ ngư dân. Rất mong thông tin chính xác kịp thời của ngư dân để xử lý. 

{keywords}
Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Rất cần thông tin chia sẻ từ ngư dân

Cảnh sát biển đang hỗ trợ nhân dân tìm kiếm cứu nạn rất hiệu quả. Nhưng có những thông tin khi đến Cảnh sát biển quá muộn. Khi nhận nhiệm vụ, từ mệnh lệnh từ trái tim, chúng tôi thực hiện hết trách nhiệm để làm sao hỗ trợ người dân như chính người thân của mình.

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Chúng ta phải thấy, chúng ta có vùng biển hơn 1 triệu km vuông rất nhiều tiềm năng, là tuyến vận tải có ý nghĩa. Trong chiến lược biển, xác định mạnh từ biển, giàu vì biển.  

Muốn vậy chúng ta phải khai thác biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển. Chúng ta vận động nhân dân đánh bắt có những vùng xa hàng trăm hải lý trong điều kiện thời tiết luôn có biến động. 

Ngư trường người dân VN khai thác cũng là ngư trường nước ngoài khai thác, đội tàu cá, ngư dân ta ra khơi đánh bắt hải sản đóng góp khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. 

Ngư dân  rất tích cực vừa hoạt động kinh tế vừa khẳng định bảo vệ chủ quyền. Bảo vệ chủ quyền là bất biến, là thiêng liêng của mỗi người con đất Việt, chúng ta phải ủng hộ và bảo vệ ngư dân bám biển.

Hỗ trợ nhân dân trong lúc đánh bắt cá trên biển, khi tàu hư hỏng hay con người bị thương tích. Đặc biệt ở vùng biển nhiều tranh chấp chúng tôi thường xuyên có mặt để tạo chỗ dựa, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm. 

{keywords}
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Với Cảnh sát biển, dù một người gặp nạn trên biển chúng tôi cũng phải cứu

Thực tế chúng ta đã triển khai làm được việc đấy. Ngay sáng nay VTV1 có đưa tin Cảnh sát biển tiến hành cứu nạn ngư dân bị thương trên biển đưa vào đất liền, dù một người chúng tôi cũng có thể dùng cả chuyến tàu đưa về đất liền vì cứu người là trên hết.

Thông qua đây chúng tôi gửi đến ngư dân thông điệp rằng, lực lượng Cảnh sát biển luôn có mặt để cùng ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển.

Nhà báo Vân Anh: Không chỉ mối quan hệ với ngư dân nói riêng, Cảnh sát biển có mối quan hệ với nhân dân như thế nào trong việc tạo thế trận phòng vệ, bảo vệ vùng biển chủ quyền của đất nước?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Dân là gốc, nhân dân trên biển hay trên bờ đều là công dân đất Việt, trách nhiệm của các lực lượng chức năng là bảo vệ, giúp đỡ dân. Đó cũng là một trong những lời thề của Quân đội nhân dân VN. 

Với người dân ven biển, trên biển, những nơi chúng tôi hoạt động, đóng quân, nếu có khó khăn, thiếu thốn cần giúp đỡ, chúng tôi đều có trách nhiệm.

Thậm chí tàu vận tải ta bị cướp biển ở rất xa, nhưng nhận được tin thông qua kỹ thuật của Viettel, chúng tôi đã xác định được vị trí, nhanh chóng đưa tàu ra hỗ trợ, điều trị người bị thương, đưa con tàu mất cơ động đang lênh đênh về bờ.

Nhân dân đầu tư xây dựng Cảnh sát biển thì Cảnh sát biển có trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ dân, sẵn sàng làm mọi việc theo chủ trương chính sách của Đảng và lời thề của Quân đội nhân dân VN.

Nhà báo Vân Anh: Ngư dân trước đây đi biển thường giữ bí mật ngư trường. Khi đến ngư trường đánh bắt cá, có khi họ ngắt tín hiệu để không bị quấy nhiễu. Việc này khiến cho việc bảo vệ ngư dân khó khăn trong tình huống gặp nạn về thời tiết, thiên tai hay cấp cứu. 

Những vụ việc của ngư dân gặp nạn trên biển trong nhiều tình huống thời gian qua có làm cho điều này thay đổi, Cảnh sát biển có nắm được lượng tàu thuyền ngư dân đi đánh bắt ở các ngư trường chủ quyền để bảo vệ như thế nào?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu:  Tôi nghĩ có rất nhiều thay đổi thông qua việc tuyên truyền, vận động và các hành động cụ thể của nhiều cơ quan hữu quan. Cho tới nay thói quen của ngư dân đã thay đổi. 

Chúng tôi phối hợp với cục kiểm ngư, các cơ quan hữu quan địa phương tuyên truyền vận động ngư dân hoạt động theo nhóm, hỗ trợ nhau, giữ liên lạc với cơ quan chức năng.

{keywords}
Trước đây ngư dân giữ bí mật ngư trường nhưng nay đã thay đổi

Chúng tôi phối hợp với các đài canh duyên hải, nắm giữ thông tin trực tiếp 24/24 để kịp thời ứng cứu, hỗ trợ ngư dân. 

Trước đây ngư dân giữ bí mật ngư trường nhưng hiện tại họ đã thay đổi. Đây là kết quả từ sự thay đổi nhận thức của ngư dân, của hoạt động truyên truyền, vận động từ các cơ quan hữu quan.

Lý trí và trách nhiệm

Nhà báo Vân Anh: Nói đến thành tích chống cướp biển, các nước rất nể phục VN. Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng có thể chia sẻ thêm với độc giả?

Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Mọi nhiệm vụ chúng tôi đều sẵn sàng tham gia hỗ trợ đồng đội các lực lượng khác.

Nhà báo Vân Anh: Thưa Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, bí quyết là gì mà các nước nể phục VN đến vậy?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Cướp biển, cướp có vũ trang là vấn nạn, đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hảng hải, là mối lo của nhiều quốc gia, không riêng VN.

Nhiều nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc đã điều động nhiều tàu hiện đại chống hải tặc ở nhiều vùng biển như Somalia hay trên các vùng biển châu Á.

Tại khu vực Đông Nam Á, thông thường cướp biển tập trung vào cướp tàu dầu, các tàu đi qua eo biển Malacca rồi vào VN, Indonesia hay Thái Lan. Thực tế trong những năm qua, tàu của VN bị cướp trên vùng biển này khá nhiều.

Có những chủ tàu trình báo, có những tàu không, nhưng theo thông tin của các tổ chức quốc tế, thì những vụ việc này khá nhiều.

{keywords}
Có những chiến công của Cảnh sát biển VN không phải lực lượng chấp pháp nước nào cũng làm được, điển hình vụ bắt gọn 11 tên cướp tàu Rafiap

Vừa qua, chúng tôi đã có những hoạt đông chống hải tặc khá thành công, điển hình là vụ bắt gọn 11 tên cướp cướp tàu Rafiap (quốc tịch Malaysia). Cướp biển trong vòng hai ngày đã thay đổi được màu sơn, hô hiệu, bắt các con tin thả xuống xuồng, cướp lấy hàng hóa đi tiêu thụ.

Bằng nghiệp vụ của mình, bằng hợp tác quốc tế, chúng ta đã tổ chức truy tìm, nhận dạng khi phát hiện xác định chính xác, chọn lựa giải pháp tốt nhất, vừa bắt gọn được cướp biển vừa đảm bảo an toàn cho người trên tàu cũng như lực lượng truy bắt hải tặc.

Đây là một chiến công mà không phải lực lượng chấp pháp nước nào cũng làm được. Dù phương tiện chưa hẳn hiện đại như nhiều nước nhưng chúng ta đã khiến họ phải nể phục và trân trọng.

Chúng ta cũng đã thể hiện sự trách nhiệm trong đảm bảo an ninh an toàn trên biển. Gần đây chúng ta cũng bắt được 8 tên cướp biển tàu tàu chở dầu Orkim Harmony của Malaysia.

Điều lớn lao nhất chúng ta nhận được qua những chiến công này là sự tin cậy của bạn bè quốc tế với tinh thần trách nhiệm trong hành xử của VN.

Nhà báo Vân Anh: Câu hỏi dành cho Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Trong sự nghiệp liên quan đến Cảnh sát biển, ông đã có bao nhiêu năm gắn bó? Ở trị ví phó tư lệnh, tham mưu trưởng, đã có tình huống thực tế nào khiến ông lo lắng, "mất ăn mất ngủ"?

Là người chỉ huy, người lãnh đạo, tình huống để lo lắng trằn trọc không phải riêng tôi mà bất cứ chỉ huy nào cũng thế thôi mình phải làm sao cho tốt. Đối với tôi có những việc để đời đó là những trận bão 2012.

{keywords}
Trận bão 2012 là cuộc để đời trong sự nghiệp...

Khi báo bão di chuyển thế này kia, sau đó đổ bộ vào, cả sở chỉ huy Cảnh sát biển cả đêm không ngủ. Bão vào gần, người chỉ huy làm sao tính toán để bảo vệ dân nhưng anh em vẫn được an toàn. Những lúc như thế này vừa đan xen cả lý trí và trách nhiệm.

Nhà báo Vân Anh: Trong mọi tình huống xung đột, dù thế nào thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trang thiết bị dù có hiện đại đến đâu mà con người không làm chủ thì cũng vô nghĩa, nhưng con người mà thiếu sự tư duy chính nghĩa thì việc làm chủ trang thiết bị chỉ khiến con người như cỗ máy robot, làm rối tình huống thực tiễn đầy phức tạp đan xen. 

Trong lực lượng Cảnh sát biển hiện nay, ông có kỳ vọng gì về thế hệ những con người mới, làm chủ phương tiện hiện đại nhưng vẫn đủ bản lĩnh, trái tim, khối óc để thực thi nhiệm vụ bảo vệ vùng biển chủ quyền một cách lý trí? 

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: 17 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, trong đó có sự phát triển về mặt tổ chức, về trang thiết bị và cả con người. 


Trang bị có hiện đại tới đâu mà không có con người có chuyên môn, tri thức sử dụng phương tiện đó, phục vụ sứ mệnh mục đích đúng đắn thì phương tiện hiện đại cũng không giải quyết được gì.

{keywords}
Làm chủ các con tàu hiện đại của Cảnh sát biển hiện nay hầu hết là sĩ quan trẻ


Trong suốt 17 năm qua, chúng tôi thấy các thế hệ Cảnh sát biển luôn có sự phấn đấu vươn lên và trưởng thành. Hiện nay, có thể nói làm chủ các con tàu hiện đại của Cảnh sát biển hầu như là sĩ quan trẻ, như thuyền trưởng tàu 8001 mà đồng chí Hùng làm chính trị viên đây mới chỉ 30 tuổi.

Anh em hiện nay được đào tạo tốt, bài bản, có trình độ và đạo đức. Tôi cho rằng sở dĩ vừa qua chúng ta có những chiến công như bắt cướp biển, ứng cứu kịp thời ngư dân, phối hợp tốt với tàu nước ngoài cũng là do anh em có trình độ ngoại ngữ. 


Ví dụ như mấy vụ bắt cướp biển vừa qua, anh em đã sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với tàu, vừa uy hiếp vừa thuyết phục. Thế hệ trước có bề dày kinh nghiệm, thế hệ trẻ hiện nay có trình độ và rất bản lĩnh. Đây là vốn rất quý của Cảnh sát biển.  

Tàu là nhà, biển đảo là quê hương

Nhà báo Vân Anh: Với Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Trực tiếp ở thực địa ngoài biển khơi, ăn ngủ, sống cùng với biển trời, những người lính có "lời thề" hay một thỏa ước nào trong công việc của mình? Khó khăn của những chiến sĩ Cảnh sát biển là gì? Có tình huống nào trong thực tế trải nghiệm khiến anh nhớ mãi?

Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Được sự quan tâm Đảng, nhà nước, quân đội trang bị nhiều con tàu hiện đại, nhưng có hiện đại đến đâu cán bộ chiến sỹ trên tàu vẫn thiếu thốn, vất vả so với đất liền nhiều. 

Có những con tàu cải hoán từ con tàu phóng lôi hạ thủy từ 1968, những chiến sỹ trên tàu đó vất vả nhiều hơn nữa, nhất là khi họ hoạt động dài ngày trên biển. 

Chúng tôi hay nói với nhau: “tàu là nhà, biển đảo là quê hương”. Thời gian sống trên tàu, với anh em nhiều hơn ở nhà với gia đình. Anh em sống như gia đình. 

{keywords}
Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm đầu tư nhưng cán bộ, chiến sỹ trên tàu vẫn thiếu thốn, vất vả so với đất liền.

Cán bộ chiến sỹ trẻ chúng tôi được thừa hưởng thế hệ đi trước như thủ trưởng Thu, chúng tôi tự hào, có tấm gương để noi theo. 

Chúng tôi luôn làm sao để cố gắng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhưng phải có trình độ khai thác sử dụng những con tàu lâu năm đáp ứng nhiệm vụ trên biển

Nhà báo Vân Anh: Những tình huống nào trên biển khiến anh nhớ mãi? 

Là chính trị viên khi ở vùng 1 Cảnh sát biển, thời điểm tháng 11/2009, thời tiết phức tạp, chúng tôi tuần tra kiểm soát tàu cá nước ngoài, ra đa phát hiện tốp tàu 15 – 20 chiếc nghi tàu nước ngoài đi vào vùng biển chủ quyền VN. 

Khi chúng tôi đến gần 3 – 5 hải lý, các tàu này cắt lưới bỏ chạy. Một số tàu ở lại cố tình dùng lưới  vây trước mũi tàu Cảnh sát biển 2007. Chúng tôi đã tiếp ứng nhanh nhạy để xử lý. 

Nếu không xử lý khéo sẽ tạo tiền lệ xấu cho tàu nước ngoài vào vùng biển chủ quyền chúng ta. Khi tàu nước ngoài vung lưới trước mũi tàu chúng ta, anh em dùng xuồng tạo thành gọng kìm tiến lên cabin lúc nào, thủy thủ tàu nước ngoài không hay biết. 

Khi gõ cửa cabin, thủ thủy tàu nước ngoài ngả gục xuống và chịu ký vào biên bản thừa nhận vi phạm.

Nhà báo Vân Anh: Chúng tôi nhận được một số câu hỏi của bạn đọc quan tâm đến Cảnh sát biển VN. Bạn đọc Phương Đoàn hỏi: "Tôi được biết trong lực lượng cảnh sát biển của nhiều quốc gia phát triển có cơ cấu cả một bộ phận không lực (trực thăng, máy bay trinh sát biển,....) nhằm đáp ứng các yêu  cầu tác nghiệp khẩn cấp, điều hành,... 

Vậy xin cho biết Cảnh sát biển VN đã có kế hoạch phát triển không lực của mình chưa, hay nói khác đi, chúng ta đã có một kế hoạch phát triển lực lượng Cảnh sát biển một cách hùng mạnh, toàn diện và dài hạn nhằm đáp ứng các nhu cầu quốc gia trong bối cảnh mới hay chưa? Xin cám ơn và chúc các đồng chí khỏe.

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Rất cám ơn độc giả đã quan tâm sự phát triển của Cảnh sát biển. Trong quá trình phát triển vừa qua, Cảnh sát biển đã có máy bay trinh sát hiện đại để quản lý, bảo vệ vùng biển từ trên không, hướng dẫn tàu tiếp cận mục tiêu nhanh chóng, đang sử dụng và phát huy hiệu quả.

{keywords}
Cảnh sát biển VN đang nghiên cứu mua sắm máy bay cho phù hợp

Cảnh sát biển đã có và sẽ có thêm trực thăng, ví dụ chính tàu 8001 cũng có sàn đỗ máy bay. Chúng tôi đang nghiên cứu mua sắm máy bay phù hợp, giúp mở rộng phạm quan sát, tham gia cứu nạn hiệu quả và giải quyết nhiều công việc khác. Trong tương lai, chắc chắn Cảnh sát biển sẽ có lực lượng máy bay, đã có nhưng sẽ có thêm.

Nhà báo Vân Anh: Bạn đọc Thùy Dương có câu hỏi gửi Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Thưa chú Ngô Ngọc Thu, chú có con trai không? Nếu có, chú có thể tiết lộ ít thông tin về anh ấy được không, con trai chú có theo nghề Cảnh sát biển của cha hay không?

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu:

Tôi có con trai, đang theo nghiệp bố, đang đứng chân trong lực lượng Cảnh sát biển, từng là thuyền trưởng tàu 2008 Cảnh sát biển vùng 1. Con trai tôi  đang học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để trưởng thành.

Về riêng tư, con trai tôi đã có gia đình, có một cháu nhỏ kháu khỉnh. Cháu chính là niềm vui của tôi khi hiếm hoi có thời gian với gia đình. Ngoài một cháu nội, tôi còn có vài cháu ngoại. Tôi 60 tuổi rồi, bạn tưởng tôi trẻ sao?

Nhà báo Vân Anh : Thưa độc giả, trong vòng một giờ đồng hồ, hai vị khách mời đã chia sẻ với độc giả VietNamNet về Cảnh sát biển VN với những điều ở vị trí người trong cuộc. Ngày thứ sáu tuần này, 28/8, lực lượng Cảnh sát biển VN sẽ kỷ niệm 17 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Báo điện tử VietNamNet xin được chúc mừng bước phát triển mới của lực lượng, chúc các cán bộ, chiến sĩ sức khỏe, bản lĩnh và trái tim luôn mãnh liệt tình yêu với vùng biển trời chủ quyền của Tổ quốc.

Mời bạn đọc xem chi tiết cuộc bàn tròn với các CLIP:

Đêm trắng ở sở chỉ huy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển

Ban Thời sự - Ảnh: Phạm Hải