- Lúc cao điểm, đã có khoảng 4 vạn lao động trong và ngoài nước đổ về Vũng Áng (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bên cạnh tiếng trọ trẹ ‘mô, tê, tăng, rứa’ của người bản xứ, vùng đất này cũng trở nên đặc biệt với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đặc biệt là ngoại ngữ đến từ nhiều quốc gia.

Đa ngôn ngữ như... Vũng Áng

Quanh khu vực Formosa, đặc biệt là ở hai phường Kỳ Liên và Kỳ Phương, những khu trọ cho công nhân mọc lên dày đặc. Công nhân quê tứ xứ sống chung với nhau dưới những dãy phòng trọ dài nằm sát các khu dân cư đông đúc.

Được sự hướng dẫn của cán bộ khu phố, chúng tôi tìm đến những dãy trọ nằm gần trụ sở phường Kỳ Liên (TX. Kỳ Anh). Buổi chiều tháng 9 trời mưa lớn, các dãy trọ hầu hết vẫn vắng vẻ do công nhân đi làm ca.

{keywords}

Vũng Áng đang thực sự là điểm thu hút đầu tư là lao động mạnh mẽ. Không chỉ lao động địa phương có công ăn việc làm, thị trường lao động nơi đây thu hút lao động nhiều vùng miền và nhiều quốc gia. Ảnh: Văn Đức.

Trong một xóm trọ sát đường nhựa, nhóm công nhân quê Hà Tĩnh, Nghệ An nghỉ ca chiều nên ở lại phòng. Mỗi phòng cấp 4 rộng chừng 20m2 có khoảng 2,3 người sống chung. Nhìn vào nhà để xe, một loạt biển số của rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ Bắc chí Nam.

Nguyễn Văn Sơn (SN 1991, trú Can Lộc, Hà Tĩnh) cùng 2 bạn khác ở cùng phòng với nhau hơn 1 năm nay. Sơn làm công nhân lắp ráp máy, thu nhập mỗi tháng gần 8 triệu đồng.

“Bọn em thanh niên ở chung với nhau cho thoải mái. Ở đây chủ yếu người Hà Tĩnh, Nghệ An. Bên xóm kia người Bắc nhiều lắm. Anh em công nhân ở khu phố này thời gian rảnh cũng thường chơi với nhau. Người nói giọng Bắc, người giọng Nam nhưng cũng rất vui!”, Sơn kể.

Ở một khu trọ cạnh đó, có nhóm công nhân quê tận Kiên Giang. Hai công nhân đứng tuổi giọng miền Tây đặc sệt xởi lởi mua đi mua rau quả tại ki ốt về nấu bữa tối. Quanh các khu trọ, những nhà hàng, quán xá mọc như nấm.

“Khách mua ở đây chủ yếu là công nhân trong các khu trọ thôi chú. Họ nói đủ thứ tiếng trong Nam ngoài Bắc. Mua bán nhiều thành quen! Có lúc tôi còn bán nợ cho họ nữa, nhiều ngày lấy một thể!”, bà Vinh, chủ ki ốt cho biết.

Bà kể, dù chỉ buôn bán nhỏ, chủ yếu là các mặt hàng rau củ quả nhưng mỗi ngày ki ốt cũng kiếm được 300.000 – 500.000 ngàn đồng. Hôm nào đắt khách còn thu nhập cao hơn nữa.

Khắp tuyến QL1A đoạn qua Kỳ Liên, Kỳ Phương, hàng loạt nhà hàng, quán xá mọc lên san sát với biển hiệu nhiều thứ tiếng.

{keywords}

Nụ cười 1 công nhân Formosa khi làm việc trở lại sau sự kiện 14/5. Ảnh: Duy Tuấn

Trong bối cảnh ‘làng xoay ra phố’, nhiều nông dân Kỳ Anh trước vốn chân lấm tay bùn đã chuyển qua kinh doanh. Có người thậm chí học ‘cấp tốc’ cả ngoại ngữ để tiện bề giao tiếp.

Ông Trần Phố Huế, PCT UBND phường Kỳ Liên cho biết, địa bàn hiện có trên 2.500 công nhân tạm trú, đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, TT – Huế, Ninh Bình, Lào Cai và vào tận Kiên Giang...

“Lúc cao điểm, Kỳ Liên có chừng 4.500 công nhân tạm trú, với khoảng 2.500 người nước ngoài. Hiện số lao động ngoại quốc chừng 900 người”, ông Huế cho biết.

Kiểm soát chặt lao động nước ngoài

Theo thông tin từ BQL Khu kinh tế Hà Tĩnh, lúc cao điểm, có hơn 4 vạn lao động đã đổ về làm việc tại Vũng Áng; trong đó có hơn 32.000 người Việt Nam.

Ngoài ra, có gần 8 ngàn lao động đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

{keywords}

Việc quản lí lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động TQ đã dần quy củ.

Ở thời điểm ban đầu triển khai dự án, một lượng công nhân tứ xứ đổ về khiến hệ thống cán bộ cơ sở cũng ‘choáng ngợp’. Đặc biệt ở Kỳ Liên, Kỳ Phương, lượng người vãng lai tăng đột biến, tạo nên sự nhốn nháo, phức tạp.

Sự kiện 14/5 diễn ra, các cơ quan chức năng thời kì đó mới tá hỏa khi phát hiện, có hơn 3.000 lao động TQ trái phép đang lao động tại các công trường trong Formosa.

Sau khi lượng lao động trái phép này rút về nước, các cơ quan quản lý tại Hà Tĩnh đã thực sự vào cuộc để siết chặt lao động.

Một số cán bộ cơ sở nhớ lại, có thời điểm việc đăng ký tạm trú cho lao động dường như bị ‘thả nổi’.

Ông Vũ Văn Thịnh, nguyên Trưởng công an xã Kỳ Liên cho biết, trước ngày 14/5, có lúc Kỳ Liên có đến hơn 4.500 công nhân đổ về.

“Giai đoạn ban đầu, lao động nước ngoài phần lớn chưa được đăng ký tạm trú. Buổi đêm, nhiều khi có cả tốp người nước ngoài đi lại, gây ồn ào. Một số vụ va chạm cũng đã xảy ra.

Sau sự cố 14/5, lao động nước ngoài rút về, một thời gian khu kinh tế không hoạt động, các xóm trọ vắng vẻ. Việc sản xuất của một số nhà thầu phụ ở địa phương hầu như không hoạt động, dịch vụ buôn bán đìu hiu vắng vẻ”, ông Thịnh cho biết.

Là người quản lý lao động tại dự án Formosa, ông Phạm Trần Đệ, Phó ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh thừa nhận thời điểm dự án mới triển khai, lao động ngoại quốc ồ ạt đổ về đã gây ra nhiều xáo trộn. Công tác quản lý rất khó khăn.

“Dự án mở ra, hàng vạn công dân từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đổ về Vũng Áng, trong đó chủ yếu là người TQ, rồi đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Những ngày đầu, việc kiểm soát số lượng công nhân này rất khó khăn”, ông Đệ cho hay.

{keywords}

Tàu nước ngoài công suất lớn cập cảng Vũng Áng.

Theo ông Đệ, để lập lại trật tự trong quản lý lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động TQ, các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt, siết chặt công tác quản lý.

“Đặc biệt, sau lần cơ quan công an xử phạt các nhà thầu TQ 4,5 tỷ đồng vì có 303 lao động vi phạm thủ tục nhập cảnh và chưa có phép thì các nhà thầu TQ đã buộc phải tuân thủ các quy định. Và bây giờ tình hình lao động nước ngoài trên công trường đã khá ổn định”, ông Đệ nói.

Cao Thái – Văn Đức – Duy Tuấn

(còn nữa)