- Ngô Văn Quyền - “vua bãi vàng” một thời đang từng ngày nâng đỡ linh hồn của 14 hài nhi tìm thấy trong những lần bới rác.

Tìm thấy hài nhi trong túi rác

Cách trung tâm xã Tân Cương, xứ trà nổi tiếng của Thái Nguyên chưa đầy 2km, đang tồn tại một nghĩa trang hài nhi. 14 linh hồn đang được nâng niu dưới chân bãi rác này (thôn Đá Mài, xã Tân Cương) đều có điểm chung là được những người lao động khổ ải tận cùng tìm thấy trong lúc mưu sinh nhờ rác.

{keywords}
  Anh Ngô Văn Quyền bên nghĩa trang hài nhi vô danh.

Ngô Văn Quyền - người đàn ông nhỏ bé, khắc khổ, gương mặt tích tụ bao đắng chát cuộc đời - và câu chuyện về cuộc đời anh, chắc chắn sẽ rất dài - là người “khai sinh” ra cái “nghĩa trang” mà hẳn không ai muốn nó có mặt.

{keywords}
Nghĩa trang hài nhi vô danh nhìn ra bãi xử lý rác thải của thành phố Thái Nguyên.

Anh Quyền thành thật: “Đã làm cái công việc nhặt rác để mưu sinh, đó phải là những kẻ cùng đường. Nhưng, ở đây còn có những chuyện khổ hơn cả chuyện của mình”.

Khoảng gần chục năm về trước, một người trong đội nhặt rác của anh Quyền phát hiện một bọc ni-lon đen quấn khá kỹ. Mở ra, một xác hài nhi nằm lẫn trong rác. Hoảng hốt, chị này vùng chạy rồi tìm anh Quyền kể lại sự việc. Chính tay anh đã tắm rửa, đặt đóng áo quan, an táng cho hài nhi xấu số.

Từ đó đến nay, số xác hài nhi mà những người nhặt rác, bới rác tìm thấy không đếm hết trên đầu ngón tay. Cũng ngần ấy lần anh Quyền tự tay đưa các bé về với đất mẹ.

Cô quạnh dưới chân bãi rác

Từ ngôi nhà tạm bợ duy nhất ở thôn Đá Mài - nhà của Ngô Văn Quyền, đi lòng vòng theo con đường đất men chân núi chừng gần cây số, nghĩa trang hài nhi nằm lọt thỏm ở một góc rừng.

{keywords}
 Ngô Văn Quyền - người “khai sinh” nghĩa trang hài nhi được tìm thấy trong bãi rác.

Gọi là nghĩa trang, nhưng thực chất chỉ là một vạt đất chừng vài trăm mét vuông nằm lẻ loi dưới chân đồi, lưng dựa vào bãi tập kết rác thải, mặt hướng ra khu đất bằng phẳng, tựa như thung lũng - chính là khu vực rác thải đã được xử lý, san ủi.

Một bờ tường gạch ba-vanh được xây cao ngang ngực làm rào; chiếc cổng bằng sắt khá nghiêm trang, đẹp đẽ. Con đường rải bê-tông chừng gần trăm mét dẫn đến khu bậc lên xuống đang xây dở. Nghĩa trang hài nhi gồm 14 ngôi mộ vuông vắn, thẳng hàng.

Ở vị trí trung tâm, một chiếc miếu nhỏ, che mái tôn để đặt bát hương chung; tấm bia mộ vỏn vẹn dòng chữ: “Nghĩa trang hài nhi vô danh”.

Tất cả bấy nhiêu đó là nỗ lực cả chục năm trời, của một người có nguồn thu duy nhất từ rác.

“Trước, khu đất này hoang vu, đầy cây cối, bụi rậm, đá hộc. Lúc nào rảnh là tôi vào phá đá, chặt cây, tạo mặt bằng, rồi tích lũy tiền bạc mua vật liệu, thuê thợ về xây. Còn dở mấy cái bậc lên xuống, sang tuần tôi sẽ làm tiếp” - anh Quyền kể.

16 năm “ăn ở” với bãi tập kết rác thải của thành phố Thái Nguyên, anh Quyền tâm sự: “Cũng có người nhặt được tiền, vàng, cả đô la, tuy số tiền không lớn. Nhưng, chúng tôi cũng nhặt được cả những hài nhi bị người ta vứt bỏ, được xe rác hốt vào trong thùng xe bồn, đổ xuống đây”.

Có năm, đội quân bới rác tìm được 3-4 xác hài nhi. Tất cả đều “đủ tuổi” nhưng không được tồn tại. Có những cái xác để vài ngày mới được tìm thấy, đã lên mùi, trương lên rất đáng sợ…

“Dù có như thế nào, tôi cũng vẫn mua rượu, nước ngũ vị tắm rửa cho các cháu. Mua quần áo mới, thuê thợ đóng quan tài tẩm liệm chôn cất các cháu đàng hoàng. Mấy năm trở lại đây thì chưa tìm thấy thêm, như thế cũng là mừng lắm rồi” - anh nói.

Trỏ ngôi mộ nhỏ bé nằm lẻ loi một mình ngay bên trái lối vào, anh Quyền kể: “Cậu” này khi tìm thấy được bọc trong hai lớp túi ni-lông đen. Ngày hôm đó, những người đi nhặt rác bới thấy cái bọc, rồi gọi tôi ra. Đó là một bé trai khá to, tóc đen, rậm, rất mũm mĩm, da mặt sáng bóng… Nhưng, trên cổ cậu bé vẫn còn nguyên cái kéo đâm sâu.

Nhiều khả năng, cháu bé là nạn nhân của một bi kịch mà trong cơn hoảng loạn đã bị chính người thân của mình giết chết. Họ đã phi tang để xóa tội ác của mình”.

Chỉ sang ngôi mộ nhỏ kế bên, anh Quyền tiếp: “Còn kia là một bé gái. Khi tìm thấy được để trong một chiếc hộp cỡ cái phích. Bé được bọc mấy lớp vải, nhiễu đỏ bên ngoài. Tôi nghĩ, mẹ của cháu bé có thể là một cô gái trẻ người non dạ, chưa chuẩn bị tâm lý đón  cháu ra đời”.

Anh Quyền kể: “Hai vợ chồng tôi, một tháng đi nhặt phế thải, thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Bãi rác này cho chúng tôi cuộc sống, thì việc tìm thấy các cháu, chẳng ai đành lòng rũ mặt ngoảnh đi”.

Người đàn ông bước sang tuổi 46, gương mặt nhỏ nhắn có vết sẹo dài chạy từ khóe miệng lên ngang mặt chẳng hề giấu giếm: “Thời trẻ, tôi có nhiều sai lầm, đã từng mấy lần vào tù, chân đi hết các bãi vàng từ Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, cay đắng nếm cả. Giờ, tôi hiểu muốn sống phải vượt lên mặc cảm, quá khứ”.

Kiên Trung

(Còn nữa)