- Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ GTVT tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vào chiều tối 20/3.

Sà lan gây tai nạn tự trôi, có thể tiếp tục…gây tai nạn

Theo đó, chiều tối 20/3 đoàn công tác của Bộ GTVT do thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác cứu hộ - cứu nạn, xử lý hiện trường, khắc phục hậu quả của vụ gãy, sập cầu Ghềnh xảy ra lúc 11h50 trưa cùng ngày.

{keywords}
Việc khắc phục cầu Ghềnh dự kiến phái mất 3 đến 5 tháng
Đại diện của chính quyền Đồng Nai đã báo cáo chi tiết vụ sà lan đâm va làm gãy, sập cầu Ghềnh. Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho biết, sà lan gây tai nạn vào chiều tối 20/3 đã tự trôi do thủy triều dâng, có nguy cơ tiếp tục gây ra nạn; đồng thời có dấu hiện tràn dầu, nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Đại tá Triệu đề nghị các đơn vị liên quan sớm có phương án lai dắt sà lan, neo cố định vào vị trí an toàn.

{keywords}
Sà lan gây tai nạn tự trôi vào chiều tối 20/3 có khả năng tiếp tục gây tai nạn
Ngay sau đó thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các cơ quan chức năng Đồng Nai nhanh chóng lai dắt sà lan gây tai nạn vào nơi an toàn, tổ chức khám nghiệm các phần nổi, phần chìm và sớm trục vớt sà lan.

Ông Đông chỉ đạo, dù bước đầu ghi nhận không có thương vong về người nhưng phải tiếp tục tìm kiếm, đến khi nào xác định chắc chắn là không còn người mất tích mới dừng lại... 

Cuộc họp đánh giá, vụ sà lan đâm va, gây gãy sập cầu Ghềnh gây thiệt hại về kinh tế là rất lớn, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường bộ lẫn đường thủy.

{keywords}
Lãnh đạo Bộ GTVT họp với lãnh đạo chính quyền tỉnh Đồng Nai chỉ đạo công tác khắc phục sự cố gãy, sập cầu Ghềnh trưa 20/3

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp – Cục phó cục CSGT (C67) Bộ công an có ý kiến đề nghị công an tỉnh Đồng Nai khẩn trường truy bắt 2 người có liên quan đến vụ tai nạn là cậu – cháu Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988), Trần Văn Giang (SN 1980, cùng quê Bạc Liêu) để nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Tiến trình điều tra, xử lý hiện trường, trục vớt, khám nghiệm sà lan gây tai nạn…các cơ quan chức năng phối hợp, trong đó chính quyền tỉnh Đồng Nai giữ vai trò chủ đạo, báo cáo với tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT.

Ga Biên Hòa phải gánh lượng khách khổng lồ

Được biết ngay sau khi di chuyển đến Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra hiện trường vụ gãy, sập cầu Ghềnh. Sau đó đoàn đã đến kiểm tra về phương án phục vụ tại ga Biên Hòa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Từ nay đến khi khắc phục xong cầu Ghềnh, ga Biên Hòa sẽ đóng vai trò là ga cuối của tuyến giao thông đường sắt Bắc – Nam. Ga Biên Hòa sẽ gánh lượng khách rất lớn; riêng hàng hóa sẽ được dồn về cho ga Hố Nai, Trảng Bom…”. 

Cũng theo ông Trường, việc khắc phục cầu Ghềnh dự kiến phải mất từ 3 đến 5 tháng.

Bộ GTVT hiện đang mời các chuyên gia vào kiểm tra, khảo sát, khôi phục lại cầu Ghềnh. Các chuyên gia phải làm việc trong 1 tuần để đưa ra các phương án đó trình với Bộ.

{keywords}
Ga Biên Hòa đang gánh lượng khách “khổng lồ”, trở thành điểm cuối của tuyến đường sắt Bắc – Nam trong thời gian tới

Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các cơ quan ban ngành cần huy động tất cả, làm mọi cách để phục vụ khách đến và đi tại ga Biên Hòa.

Ông Hùng đề nghị Bộ GTVT làm việc với các doanh nghiệp đường bộ, hàng không…để cùng chung tay tham gia giải quyết sự cố với ngành đường sắt, chờ đến khi khôi phục lại cầu Ghềnh, nối liền tuyến giao thông đường sắt tuyến Bắc – Nam.

Huyền Trang – Đàm Đệ