- Đó là nguyện vọng của những người dân tiểu khu 1535, mong mỏi Bộ Công an vào cuộc làm rõ hàng loạt vụ cố ý gây thương tích kéo dài trên địa bàn suốt từ năm 2008 đến nay khiến dân vô cùng bức xúc…trước khi ổn định thành lập thôn, bom mới.

94 tuổi cũng bị trói, đánh

Đứng trước tổ công tác của UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), ông Đàm Đình Quảng giơ đôi bàn tay gầy guộc lên kêu cứu.

{keywords}

Vợ chồng ông Đàm Đình Quảng, 94 tuổi, không dám trồng cây gì nữa vì sợ bị đánh

“Tôi còn 1 tháng nữa là 94 tuổi. Chúng nó phá của tôi hết. 3000 cây cao su năm thứ 3 không cho cạo, năm thứ 4 ủi hết, 500 cây cà phê và một mẫu điều cũng ủi hết. Thằng Cường buộc tôi vào cây khiêng đi, năm 2014 ấy. Năm 2015 công ty lại về ủi cao su của tôi, rồi thằng Cường cho 1 thằng nữa buộc tôi vào gốc cao su, rồi đẩy tôi đập ngực vào cây, đến giờ vẫn còn đau ngực”, ông Quảng kể.

“Giếng nước của tôi nó cũng phá hết. Tôi chỉ còn 2 vợ chồng già, đất đai không có. Không dám làm gì nữa, không dám trồng cây gì nữa vì sợ công ty nó về đánh. Bây giờ tôi nhục lắm rồi, chín mấy tuổi mà ở nhà không có ai nuôi. Bây giờ chỉ có 2 bàn tay trắng, không có gì ăn nữa”, cụ ông 94 tuổi bức xúc.

Ông Đàm Đình Quảng cho biết, ngay sau khi bị đau, ông đã đi bệnh viện Bù Đăng khám. Bệnh viện nói ông ra lấy giấy của công an huyện. Hai đứa cháu đến công an xin thì công an không cho lấy, nên ra viện không có bệnh án gì cả. “Cái ảnh chụp ở bệnh viện để ở đâu, tôi già rồi không còn nhớ nữa”, ông Quảng nói.

Quê gốc ở tận Trùng Khánh, Cao Bằng, năm 1981 ông đưa cả gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Cả đình sống gần sóc Bom Bo, căn nhà ấy bây giờ cũng không còn.

Ông Quảng với vợ vượt sông sang Đak Ngo mở đất rừng trồng điều. Cả 2 vợ chồng già sống với nhau ở trong rẫy. Ông cho biết, qua 2 đợt càn quét của công ty Long Sơn, con ông sợ quá bỏ đi nơi khác làm thuê. Ông thì bị đau, bà bị lẫn giờ cũng nhớ nhớ quên quên, không biết nấu cơm, nấu nước nữa. Tất cả nguồn sống gia đình giờ đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm.

Theo những lời kể lúc nhớ lúc quên, năm 1947, ông Đàm Đình Quảng cũng đã từng có 2 năm phục vụ cho mặt trận Đông Khê. Hồi đó, bộ đội yêu cầu đi vận động dân từ Trùng Khánh sang Trung Quốc lấy súng đạn về tiếp tế cho mặt trận. Có một người cùng thời với ông, cũng vào sóc Bom Bo sinh sống, nay cũng đã qua đời.

{keywords}

Họ phá hết của tôi, 3000 cây cao su, 500 cây cà phê, một mẫu điều

“Dân chúng tôi phải có đất cán bộ ơi. Huyện nói cho 1 mẫu đất, có khác gì cho 1 triệu đồng, liệu làm có đủ ăn không?”, ông Quảng khẩn thiết.

“Con tôi chết, mộ vẫn còn trên nền đất cũ”

Anh Nguyễn Tấn Bình vẫn không thể quên những tháng ngày khủng khiếp hồi năm 2014 đó, khi anh chị mất đi đứa con trong bụng mẹ, trong buổi công ty Long Sơn đưa người lên phá vườn điều của gia đình.

“Vợ tôi đang mang thai được hơn 4 tháng, ra ngăn cản thì bị đánh sảy thai. Hai vợ chồng chôn cháu ngay trước căn nhà cũ, nay đã bị giải toả. Mộ cháu vẫn còn đó, ngay gần trụ sở công ty Long Sơn hiện nay.

Thế vẫn chưa hết, sang đến tháng 5/2015, nhân viên công ty Long Sơn lại bắt tôi đánh một trận nữa, gãy xương phải đi cấp cứu, người không còn ra người. Đàn bà họ đánh xong rồi bỏ, nhưng đàn ông đánh xong còn đưa về cột ở trụ sở công ty, tiếp tục đánh”, anh Bình rơm rớm nước mắt kể lại.

May mắn hơn vợ chồng anh Bình, chị Bàn Thị Vân vẫn giữ được đứa con trong bụng. Chị Vân kể, năm 2008, khi lực lượng cưỡng chế đốt cầu phao ở bến đò tiểu khu 1353, bà con ra ngăn cản thì bị xịt hơi cay.

“Em đang mang bầu 8 tháng, trong đám đông hỗn loạn thì bị ai đó đẩy thẳng xuống sông, may mắn là 2 mẹ con không sao. Đến khi cháu sinh ra may vẫn không di chứng nào”, chị Vân kể.

“Xin tỉnh, huyện cứ để Bộ Công an giải quyết vụ việc trước”

Anh Ninh Viết Thắng, cư dân tiểu khu 1535 thông báo với tổ công tác của huyện Tuy Đức: “Bộ Công an đang yêu cầu tất cả người dân, quần chúng nhân dân, cung cấp đầy đủ tài liệu, từ các vụ đất đai cho đến các vụ việc hình sự. Bộ Công an cũng đã có những thông báo cho người dân trên địa bàn, nếu có những thông tin gì thì cung cấp bằng chứng, tài liệu… từ năm 2008 đến nay”

{keywords}

"Mộ con tôi vẫn còn ngay gần trụ sở công ty Long Sơn", anh Nguyễn Tấn Bình đau đớn nói

“Tôi được biết Bộ Công an đang trực tiếp thụ lý vụ này, nên tôi yêu cầu các cấp các ngành, xã, huyện, tỉnh hãy cứ để Bộ Công an giải quyết cho xong vụ việc, rồi hãy tiếp tục bàn tới việc thành lập ấp, thôn, bon… cũng chưa muộn. Nó tránh được tình trạng chồng chéo, việc nọ đè việc kia, cấp trên đủn cấp dưới, cấp dưới đủn lại cho nhân dân… và cuối cùng chỉ có người dân là thiệt hại”, ông Thắng phát biểu.

“Còn việc giảng hoà với công ty Long Sơn, thì tôi nói thật là với những việc đã xảy ra, chẳng có lý do gì để giảng hoà nữa cả. Công ty ủi của tôi 8,7 héc-ta, mất trắng, chẳng có đền bù gì cả, thì nói đến chuyện giảng hoà là phi lý”, ông Thắng khẳng định.

Công an sẽ khẩn trương điều tra vi phạm của công ty Long Sơn

Trung tá Trần Quang Trung, Phó trưởng CA Huyện Tuy Đức khẳng định, ngay sau cuộc họp với dân, huyện vẫn cử một tổ công tác ở lại tiểu khu 1535 để hỗ trợ bà con thống kê chi tiết nhân khẩu và bầu chọn ra những người đại diện.

“Lực lượng CA huyện sẽ tiếp tục làm rõ những vụ việc bà con bức xúc hôm nay, những vụ việc đánh đập người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với lực lượng chức năng của Bộ Công an vào đây phối hợp làm rõ, và phải điều tra xử lý”, ông Trung khẳng định.

Trao đổi với PV VietNamNet, Bí thư Tỉnh uỷ Đak Nông Lê Diễn cho biết, ông đang trong cuộc họp thường vụ Tỉnh uỷ, nên không có thời gian để trả lời chi tiết. Nhưng theo ông Lê Diễn, quan điểm của Tỉnh Đak Nông là không thay đổi, và đã được thể hiện rõ trong trao đổi chính thức của tỉnh với báo chí.

Theo đó, “Tỉnh ủy đã giao cho công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Công ty Long Sơn. Bởi Công ty Long Sơn đã tự ý tổ chức người để cưỡng chế san ủi, lấy đất dân đang trồng điều, cà phê là bậy, một hành vi không chấp hành quy định pháp luật. Họ còn sử dụng lao động vị thành niên.

Dù anh là ai, anh phải thượng tôn pháp luật đã. Trong khi các ngành tỉnh, huyện đang nỗ lực kêu gọi dân và công ty tiếp tục thỏa thuận để giải quyết các vấn đề còn tranh chấp thì họ lại tự đứng trên pháp luật”.

Việt Đông