- Đại diện Đài truyền hình VN cho hay, không nên coi việc mua chương trình là liên kết. Không nên hạn chế 10% đối với bản quyền mua định dạng của nước ngoài vì đây là mua sự "sáng tạo".

Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo góp ý xây dựng luật Báo chí. Lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí phía Bắc tham dự.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, dự thảo gồm 6 chương, 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung.

Ông cho rằng, luật Báo chí mới phải đảm bảo những quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của công dân, phù hợp điều kiện phát triển của đất nước.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Đồng thời luật cần khắc phục hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí.

Trưởng Ban Kiểm tra Đài truyền hình VN Vũ Thị Thanh Tâm nhấn mạnh những quy định về liên kết trong hoạt động báo chí tại điều 43: "Bản quyền định dạng nước ngoài, mua format chỉ là công thức, còn nội dung đã được Việt hóa. Đây giống như mua công thức làm bánh, còn nguyên vật liệu của ta, phù hợp khẩu vị của chúng ta nên không có gì hạn chế để mua công thức đó cả. Hoàn toàn khác mua bộ phim nước ngoài".

Theo dự thảo luật, thời lượng liên kết các chương trình phát thanh, truyền hình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế có bản quyền, định dạng nước ngoài không vượt quá 10% tổng thời lượng kênh chương trình. Bà Tâm lý giải: "Trong chương trình liên kết có những cái sai, sai phải sửa, chúng tôi nhận thức sâu sắc điều đó và đang ngày càng quản lý chặt hơn.

{keywords}
Trưởng Ban Kiểm tra Đài truyền hình VN Vũ Thị Thanh Tâm

VTV có 6 kênh quảng bá, trong đó 4 kênh là thiết yếu. Tất cả chương trình Đài đều tự sản xuất, ngân sách nhà nước không cấp, Đài không thu phí của khán giả.

"Có nguồn tiền từ liên kết chương trình, chúng tôi mới có đội ngũ có mặt ở các điểm nóng trên thế giới, hoặc đầu tư trang thiết bị để truyền hình trực tiếp từ biển đảo. Nếu hạn chế nguồn thu cao thì sẽ hạn chế khả năng thực hiện các chương trình công ích chính trị. Phải quản lý nhưng không nên hạn chế sự phát triển".

Đại diện của VTV đề xuất không nên coi việc mua chương trình là liên kết và nên định nghĩa rõ hơn "liên kết". Đồng thời không nên hạn chế 10% đối với bản quyền mua định dạng của nước ngoài vì mua ở đây là mua "sự sáng tạo".

Không nên quy định tuổi tổng biên tập

Theo dự thảo luật Báo chí, tuổi đảm nhiệm chức danh tổng biên tập, phó tổng biên tập không quá tuổi nghỉ hưu trong luật Lao động. Trường hợp đặc biệt không quá 5 năm so với quy định.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH-TT-DL Hoàng Minh Thái, quy định này không phù hợp với quy định tại chính điều 18 của bản dự thảo.

{keywords} 

“Thực hiện theo điều 18 thì phải áp dụng theo quy định của luật Doanh nghiệp chứ. Thế thì có nên quy định cứng độ tuổi tổng biên tập, phó tổng biên tập hay không? Thực tế tôi biết đã có tổng biên tập 88 tuổi vẫn điều hành tốt công việc” - ông Thái nói.

Ông Thái phân tích thêm: Hiện nay nhiều tờ báo có cơ quan chủ quản là các hội, hiệp hội. Lãnh đạo các hội, hiệp hội này thường là những cán bộ, lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước về hưu, do đó không nên quy định cứng độ tuổi của tổng biên tập, phó tổng biên tập

Phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo

Dẫn điều 26 quy định phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo, Phó tổng biên tập báo Giao thông Nguyễn Hồng Nga đặt câu hỏi tại sao lại có sự phân biệt này.

“Quy định như thế sẽ đóng cửa cơ hội làm báo của rất nhiều anh em ở địa phương. Tôi cho rằng nếu phóng viên thường trú hoạt động độc lập thì cần có thẻ nhà báo vì cơ quan báo chí của họ chưa có điều kiện đặt văn phòng đại diện tại địa phương đó. Còn nếu tờ báo đã có văn phòng đại diện đặt tại địa phương thì trưởng văn phòng đại diện có trách nhiệm quản lý đội ngũ của mình. Theo quy định hiện nay, để có thẻ nhà báo phải mất 3 năm trong khi thực tế đội ngũ phóng viên chưa có thẻ rất nhiều nhưng lại có đóng góp lớn cho các báo", bà Nga nói.

Theo Phó Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ, thẻ nhà báo là giấy tờ mang tính pháp lý thể hiện là người có tư cách hoạt động báo chí để phân biệt với những người "không có tư cách".

"Nếu nhà báo hoạt động đúng pháp luật thì nhiều khi cũng không cần thẻ đâu, chỉ cần bỏ túi của anh thôi. Khi có những sự kiện cần thiết xác minh anh là nhà báo thì mới đưa ra. Tôi nghĩ nên đưa vào luật vì hiện nay có những nhà báo thật và không thật", ông Kỷ nói.

Hồng Nhì