– Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus MERS-CoV gây ra, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương triển khai ngay các hoạt động phòng chống theo tình huống 1 (khi chưa có ca bệnh tại Việt Nam).

Trước tình hình dịch bệnh do virus MERS-CoV trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, để chủ động phòng chống ngăn chặn dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai ngay các hoạt động theo tình huống 1 (khi chưa có ca bệnh tại Việt Nam) như trong Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9).

Trong tình huống này, mục tiêu là cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

{keywords}

Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương triển khai ngay các hoạt động phòng chống bệnh do virus MERS-CoV theo tình huống 1 (khi chưa có ca bệnh tại VN)

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động, thường xuyên cập nhật các thông tin về MERS-CoV để có kế hoạch ứng phó theo tình huống diễn biến của dịch bệnh và chỉ đạo kịp thời các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Các đơn vị trong ngành y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhiễm MERS-CoV đầu tiên.

Tại cửa khẩu cần giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý người trở về từ các quốc gia có dịch bệnh; thực hiện kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, kiểm tra nhiệt độ người sốt từ 38 độ C trở lên.

Có thể ghi nhận ca nhiễm mới tại các quốc gia khác

Tính từ tháng 4/2012 đến ngày 09/5/2014 trên thế giới đã ghi nhận 536 trường hợp nhiễm MERS-CoV tại 17 quốc gia, trong đó có 145 trường hợp tử vong.

Riêng tại Ả rập Xê út đã ghi nhận 290 trường hợp trong khoảng thời gian từ 27/3/2014 đến 09/5/2014, trong đó có 60% trường hợp đã bị lây nhiễm trong các cơ sở y tế, với 39 trường hợp là cán bộ y tế.

WHO nhận định trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm mới MERS-CoV tại các quốc gia khác.

Tới nay WHO chưa có khuyến cáo áp dụng các biện pháp sàng lọc đặc biệt nào tại cửa khẩu và không hạn chế đi lại tới các quốc gia hiện đang có dịch bệnh.

Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp cần thực hiện ngay cách ly, khám sơ bộ, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý đối với các trường hợp nghi ngờ này theo quy định để hạn chế lây lan.

Đối với cơ sở y tế cần chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, thuốc men, hóa chất, khu vực, phòng cách ly; kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (nếu có).

Các cơ sở y tế phải sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tử vong. Thực hành tốt chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện phòng ngừa lây truyền MERS-CoV.

Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, nghi ngờ mắc MERS-CoV, có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày; tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, ưu tiên lấy bệnh phẩm đường hô hấp dưới gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM xác định chẩn đoán.

Thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế khi thăm khám sàng lọc, chăm sóc, điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp và nghi ngờ MERS-CoV. Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có dịch và tổ chức thường trực chống dịch theo quy định.

Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông đối với cộng đồng, người nhà bệnh nhân, người nhập cảnh đi về từ các quốc gia đang có dịch bệnh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có MERS-CoV.

Cẩm Quyên