- Hôm nay, tại LHQ, các quốc gia trên toàn thế giới đã thống nhất những mục tiêu phát triển mới cho 15 năm tới, toàn diện và tham vọng hơn.

Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của LHQ (25-27/9 tại New York, Mỹ) vừa thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) để thay cho 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millenium Development Goals - MDGs), với lộ trình thực hiện đến 2030.

{keywords}

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Phát triển Bền vững, trụ sở LHQ ở New York được "phủ" hình ảnh các mục tiêu phát triển bền vững mới. Ảnh: UN

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Việt Nam là một trong những nước được đánh giá cao về kết quả thực hiện MDGs.

MDGs được bắt đầu thực hiện năm 2000 với 8 mục tiêu về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; đảm bảo bền vững về môi trường; thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.

Thế giới đã thực hiện được mục tiêu giảm đói nghèo và tăng cường liên kết, nhưng vẫn chưa hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Quan trọng hơn, việc hoàn thành các mục tiêu này ở các quốc gia, khu vực là có sự chênh lệch.

VN nằm trong số những nước có mức độ tiến bộ cao trong việc thực hiện các MDGs. VN đã hoàn thành mục tiêu xóa nghèo đói cùng cực, đạt phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới, đạt nhiều tiến bộ trong giảm tử vong bà mẹ và trẻ em.

Tuy nhiên, các mục tiêu về đẩy lùi HIV/AIDS, đảm bảo bền vững môi trường và thiết lập mối quan hệ toàn cầu, vẫn còn là thách thức với VN.

{keywords}

Những mục tiêu phát triển mới của 15 năm tới

SDGs tăng về số lượng so với MDGs vì không những muốn hoàn thành những mục tiêu còn dang dở, mà còn bởi vì sự phát triển bền vững đang đối mặt với những thách thức mới đầy áp lực.

MDGs cũng mới chỉ tập trung vào những yếu tố mang tính chỉ báo của phát triển mà chưa bao gồm các yếu tố chi phối phát triển như kinh tế, xung đột, quản trị quốc gia...

SDGs cũng tham vọng hơn MDGs. Ý tưởng của SDGs là “Vì một thế giới không để ai tụt lại phía sau”. Thay vì đưa ra những tỉ lệ một nửa hay 3/4, SDGs đặt ra những chỉ tiêu giảm đến 0% hoặc phổ cập đến toàn dân.

SDGs cũng toàn diện hơn MDGs khi xuất hiện những mục tiêu mang tính chính trị. Với ý tưởng gắn kết mọi người bằng xã hội hòa bình và vì mọi người, SDGs đưa ra chương trình nghị sự về quản trị quốc gia, chế độ pháp quyền, khắc phục tình trạng bạo lực…

Giải thích về mục tiêu mới này, ông Richard Marshall, cố vấn chính sách của UNDP VN nói: “đây là mục tiêu về chất lượng của nền hành chính, năng lực phản ứng của chính quyền, trách nhiệm giải trình, các nhóm trong xã hội đều được lắng nghe…”

Ông Nguyễn Tiên Phong, trưởng phòng tăng trưởng bao trùm và công bằng của UNDP VN tổng kết: “Nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở không đói nghèo, được học hành, mà còn là được sống trong hòa bình, trong một xã hội mà không ai bị loại trừ, với một hệ thống quản trị trong đó ai cũng có quyền tham gia”.

Mục tiêu phát triển bền vững:
1. Chấm dứt nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi
2. Chấm dứt đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
3. Đảm bảo cuộc sống lành mạnh, tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
4. Đảm bảo giáo dục có chất lượng và cho tất cả, thúc đẩy học tập suốt đời.
5. Đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái.
6. Đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho mọi người.
7. Đảm bảo tiếp cận năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại.
8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, việc làm và công việc tử tế cho tất cả
9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chãi, thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững, khuyến khích sáng tạo
10. Giảm tình trạng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia
11. Làm cho các đô thị an toàn, bền vững và bao trùm
12. Đảm bảo những mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững
13. Hành động khẩn cấp đối phó biến đổi khí hậu và hệ quả của nó
14. Bảo tồn và sử dụng một cách bền vững các đại dương, biển và các nguồn lợi thủy sản
15. Kiểm soát bền vững rừng, chống sa mạc hóa, làm chậm và đảo ngược quá trình xuống cấp đất đai, làm chậm sự mất mát về đa dạng sinh học
16. Thúc đẩy công lý, hòa bình và các xã hội phát triển bao trùm
17. Thêm sức sống trong đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững

Chung Hoàng